Quy định mới nếu vi phạm phạt tới... 50 triệu đồng

(PLO) - Từ ngày 1/8 vừa qua, quy định người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số vàng, ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam vượt mức quy định sẽ bị phạt tới 50 triệu đồng cũng gây ồn ào không kém so với quy định phạt vượt đèn vàng ngang vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, việc khai báo được cho là cần thiết để tránh vận chuyển trái phép qua biên giới ngoại tệ, đồng Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Được đem bao nhiêu tiền khi xuất nhập cảnh? 

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự quan tâm về quy định mang tiền mặt khi xuất nhập cảnh du lịch, thăm thân, học tập hoặc chữa bệnh… Các bạn đọc Việt kiều thì có nhiều băn khoăn khác nhau như khi nhập cảnh mang tiền vào Việt Nam dưới số lượng quy định (5.000 USD) và không khai báo, vậy khi xuất cảnh, được phép mang tối đa bao nhiêu ngoại tệ mà không bị phạt; nếu khai báo hải quan số tiền ngoại tệ mang theo, có phải nộp thuế không; quy định có áp dụng cho người dưới 18 tuổi hay không…

Theo một cán bộ ngân hàng, Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt trên mức 5.000 USD (hoặc ngoại tệ khác tương đương) hoặc mang quá 15 triệu đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo hải quan cửa khẩu. Tuy nhiên, quy định khai báo không áp dụng với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.

Như vậy, pháp luật không giới hạn số tiền mà cá nhân được phép mang theo khi xuất cảnh. Tuy nhiên, cá nhân khi xuất cảnh mang tiền vượt quá mức quy định nêu trên thì phải thực hiện khai báo với cơ quan hải quan có thẩm quyền và theo Điều 3 Thông tư 15, phải xuất trình một trong hai giấy tờ là Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài do tổ chức tín dụng được phép cấp phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối hoặc là văn bản chấp thuận cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp. 

Có thể bị xử lý hình sự

Tuy pháp luật không giới hạn số tiền mà cá nhân được phép mang theo khi xuất cảnh nhưng nếu mang tiền vượt quá mức quy định trên mà không khai báo hoặc khai báo sai thì sẽ bị xử lý tùy mức độ. Theo Nghị định 45/2016/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 127/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016), người không khai báo hải quan cửa khẩu khi mang ngoại tệ vượt quá 5.000 USD hay 15 triệu đồng sẽ bị phạt tiền tới 50 triệu đồng.

Cụ thể, phạt 1-3 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 triệu đến dưới 30 triệu đồng; 5-15 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 30 triệu đến dưới 70 triệu đồng; 15-25 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 70 triệu đến dưới 100 triệu đồng; 30-50 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng trở lên mà không phải là tội phạm.

Với người nhập cảnh, mức phạt như sau: 1-2 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng; 5-10 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng; 10-20 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng trở lên mà không phải là tội phạm…

Đặc biệt, theo quy định của Bộ luật Hình sự, người nào vận chuyển trái phép qua biên giới ngoại tệ, tiền mặt có giá trị từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; phạt tù từ 2 - 5 năm nếu vi phạm có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; phạm tội trong trường hợp vi phạm có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm.

Một số ý kiến cho rằng, những quy định này là quá chặt chẽ, thậm chí có người bức xúc rằng không quản lý được nên cứ “bắt” dân cái gì phải khai báo…

Tuy nhiên, cơ quan chức năng lý giải việc sửa đổi Nghị định 127/2013 bằng Nghị định 45/2016 là cần thiết để hạn chế những vụ việc vi phạm, nhất là những vụ vận chuyển tiền qua biên giới. Điển hình, đêm 3/11/2015, tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một phụ nữ tên H (32 tuổi) làm thủ tục nhập cảnh trên chuyến bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam đã mang theo 90.000 USD (gần 2 tỷ đồng) nhưng không khai báo hải quan. Hay chiều 1/11/2015, lực lượng Hải quan và Biên phòng An Giang đang làm nhiệm vụ thì thấy Em Mos (46 tuổi, quốc tịch Campuchia) dắt xe máy đi từ hướng Campuchia sang Việt Nam, trong cốp xe có bọc nylon chứa 6.000 USD, 31,85 triệu riel Campuchia; 7,5 lượng vàng 24 kara và 2,8 lượng vàng 18 kara…

Đọc thêm