Quy định mới về việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 02/2025/TT-BCT quy định về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực; trong đó quy định về việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.
Chỉ được sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả. (Ảnh: Lê Lâm)
Chỉ được sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả. (Ảnh: Lê Lâm)

Thông tư 02/2025/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực, bao gồm: khoản 4 và khoản 5 Điều 69, khoản 4 Điều 70, điểm d khoản 1 Điều 71 của Luật Điện lực.

Theo Thông tư 02/2025/TT-BCT, sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào kết cấu kim loại của hàng rào, vật cản, vật che chắn (hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ.

Thông tư 02/2025/TT-BCT nêu rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải có đủ các điều kiện sau: Được Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng (đối với đơn vị quân đội) cho phép theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt hàng rào điện phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 5 Thông tư 02/2025/TT-BCT.

Chỉ được phép đưa hàng rào điện vào sử dụng khi chủ đầu tư đã hoàn thành công tác nghiệm thu theo quy định, đã bàn giao đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến xây dựng hệ thống hàng rào điện cho đơn vị quản lý vận hành và đơn vị quản lý vận hành đã bố trí đủ nhân sự theo quy định.

Trước khi đưa hàng rào điện vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy trình, biểu mẫu phục vụ công tác quản lý vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống hàng rào điện và quy trình an toàn điện.

Về yêu cầu kỹ thuật của hệ thống hàng rào điện, Thông tư 02/2025/TT-BCT quy định, hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt an toàn, tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, không gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống, bảo đảm vững chắc trong điều kiện mưa bão và đảm bảo mỹ quan.

Hàng rào điện có thể được bố trí kết hợp với hàng rào bảo vệ khác hoặc được bố trí độc lập nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau: Nếu hàng rào điện được bố trí kết hợp với hàng rào bảo vệ khác thì hàng rào điện phải được bố trí phía trên, độ cao treo vật dẫn điện không nhỏ hơn 2,5m so với mặt đất.

Nếu hàng rào điện được bố trí độc lập thì phía ngoài và phía trong của hàng rào điện phải có hàng rào bảo vệ để đề phòng người, động vật có thể tiếp xúc ngẫu nhiên với hàng rào điện. Khoảng cách giữa hàng rào điện với hàng rào bảo vệ không nhỏ hơn 2,0m.

Bên cạnh đó, dọc theo suốt hàng rào điện về cả 2 phía phải đặt biển báo ở nơi dễ nhận thấy “DỪNG LẠI! CÓ ĐIỆN NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI” theo quy định về biển báo an toàn điện. Biển báo được gắn cố định ở độ cao 1,7 - 2,0m so với mặt đất và khoảng cách giữa 2 biển báo không quá 20m.

Về điện áp sử dụng cho hàng rào điện được quy định như sau: Dưới 1.000V khi dùng nguồn điện xoay chiều. Không quy định đối với điện áp xung khi dùng nguồn điện một chiều.

Tại khu vực làm việc của người trực phải có hệ thống báo động tín hiệu âm thanh và ánh sáng. Hệ thống báo động phải làm việc khi xảy ra mất điện trên hàng rào điện hoặc xuất hiện dòng điện chạm đất, dòng điện ngắn mạch. Tín hiệu báo động chỉ được giải trừ khi có thao tác của người trực. Việc kiểm tra sự hoạt động bình thường của hệ thống báo động được thực hiện mỗi khi giao ca bằng các nút thử.

Đối với vật dẫn điện phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật sau: Vật liệu làm vật dẫn cho hàng rào điện có thể là tấm, lưới hoặc dây, thanh kim loại. Nếu sử dụng dây thép mạ hoặc lưới thép, tiết diện dây không nhỏ hơn 6mm2. Trường hợp sử dụng dây đồng hoặc dây nhôm phải có tiết diện không nhỏ hơn 10mm2. Dây dẫn đơn không được có mối nối ở giữa khoảng trụ. Trường hợp cần nối thì 2 đầu dây phải quấn cố định quanh cổ sứ cách điện, sau đó mới nối 2 đầu dây bằng kẹp nối, tết xoắn hoặc bằng phương pháp hàn.

Vật dẫn điện phải được gắn cố định, chắc chắn trên sứ cách điện. Khoảng cách giữa hai sứ đỡ một vật dẫn theo chiều dài không được quá 5m. Khoảng cách giữa hai vật dẫn của hai pha liền kề hoặc giữa pha với đất không quá 0,20m.

Sứ cách điện thông thường không được đặt nghiêng quá 45 độ so với phương thẳng đứng. Trường hợp cần đặt sứ nghiêng quá 45 độ phải sử dụng loại sứ có cách điện tăng cường.

Thông tư 02/2025/TT-BCT có hiệu lực từ 1/2/2025.

Đọc thêm