Quy định trả lại tiền vé xe can thiệp vào thỏa thuận dân sự giữa nhà xe và hành khách

(PLVN) - Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, tại Dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng đường bộ mà Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng, một số quy định hoặc can thiệp vào thông tin nội bộ của doanh nghiệp, hoặc can thiệp vào thỏa thuận dân sự giữa nhà xe và khách hàng.
Các doanh nghiệp cho rằng, quy định "trả lại tiền vé xe" là can thiệp vào thỏa thuận dân sự giữa các bên.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Dự thảo thì đơn vị kinh doanh vận tải phải “báo cáo định kỳ hàng tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải về kết quả xử lý vi phạm tại đơn vị”. Đề đạt với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đơn vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia pháp luật và doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu báo cáo này cần được xem xét, bởi việc xử lý vi phạm tại đơn vị thuộc về vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, việc cơ quan quản lý yêu cầu cung cấp thông tin này là chưa rõ về mục tiêu quản lý. Hơn nữa, các chuyên gia lo ngại quy định này có thể là sự can thiệp vào thông tin nội bộ của doanh nghiệp.

Trong khi đó, khoản 5 Điều 25 Dự thảo quy định doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phải “Thanh toán tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 02 giờ, thanh toán tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 30 phút”. Góp ý vào dự thảo, VCCI cho rằng quy định này là can thiệp vào giao dịch dân sự giữa đơn vị kinh doanh vận tải và hành khách.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quy định “Chịu trách nhiệm liên đới khi lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chở quá trọng tải hoặc quá số người quy định” (khoản 6) là thừa, vì lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đang hoạt động cung cấp dịch vụ nhân danh doanh nghiệp chứ không phải là cá nhân, vì vậy các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ này doanh nghiệp là chủ thể chịu trách nhiệm chứ không phải là người lao động của doanh nghiệp.

Còn quy định “Doanh nghiệp, hợp tác xã khi nhận hàng hóa gửi theo xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng” (khoản 7) được cho là can thiệp vào giao dịch dân sự giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người gửi hàng.

Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp đề nghị cân nhắc bỏ các quy định trên.

Khoản 4 Điều 12 Dự thảo quy định đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm “cung cấp công cụ cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu bằng văn bản để xem hoặc trích xuất dữ liệu video tại camera lắp trên xe của đơn vị”. Quy định này chưa rõ ràng, bởi các cơ quan nhà nước nào được gọi là “lực lượng chức năng”? Trường hợp nào “lực lượng chức năng” được quyền yêu cầu tiếp cận dữ liệu video tại camera lắp trên xe của đơn vị kinh doanh vận tải?

VCCI cho rằng, việc thiếu rõ ràng trong các quy định này có thể tạo ra những rủi ro trong việc bảo mật các thông tin về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và sự tùy nghi của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để hạn chế tình trạng này, cần cân nhắc quy định rõ các vấn đề trên.

Đọc thêm