Quy định về cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội

(PLVN) - Bạn đọc Nguyễn Duy Linh hỏi: Tôi có thời gian tham gia quân đội từ tháng 10/1978, đến tháng 10/1982 xuất ngũ, sau đó chuyển thẳng về Trường Trung học Công nghiệp Thủ Đức (sau đổi tên thành Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) theo Quyết định số 544/QĐ ngày 20/10/1982 của Bộ tham mưu, Quân khu 5.

Từ tháng 11/1982 đến năm 1987, tôi học trung học chuyên nghiệp, đồng thời từ năm 1985 đến tháng 9/1988 học đại học hệ chuyên tu tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (có Giấy chứng nhận cắt nhu yếu phẩm của Sở Thương nghiệp TP Hồ Chí Minh) và từ tháng 10/1988 đến tháng 3/1989, tôi chờ xin việc.

Từ tháng 4/1989 đến tháng 6/1992, tôi làm việc tại Trung tâm đào tạo hướng nghiệp Đà Nẵng theo Quyết định số 296/QĐ-UB ngày 08/3/1989 của UBND TP Đà Nẵng). Từ tháng 6/1992, tôi nghỉ thôi việc theo Quyết định số 519/TCCB ngày 30/5/1992 của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam - Đà Nẵng.

Từ tháng 02/1996 đến nay, tôi đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Nay, tôi đề nghị được cộng nối thời gian tham gia quân đội và thời gian đi học với thời gian đã đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH thì các giấy tờ nêu trên có đủ căn cứ không?

- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trả lời: Đối với thời gian tham gia quân đội từ tháng 10/1978 đến tháng 10/1982: căn cứ hướng dẫn tại Công Văn số 4904/LĐTBXH- BHXH ngày 24/12/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tính thời gian công tác hưởng BHXH, nếu ông chưa hưởng trợ cấp theo Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002, Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010, Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối với thời gian công tác từ tháng 10/1978 đến tháng 10/1982 với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.

Về thời gian đi học từ tháng 11/1982 đến tháng 9/1988: ông chỉ cung cấp được Giấy chứng nhận cắt nhu yếu phẩm của Sở Thương nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, không có Giấy thôi trả lương hoặc sinh hoạt phí khi tốt nghiệp ra trường nên chưa có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Đọc thêm