Quy hoạch điện VIII: Bộ Công Thương lý giải việc tăng nhiệt điện than

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong dự thảo Quy hoạch điện (QHĐ) VIII mới nhất đang được lấy ý kiến bộ ngành, Bộ Công Thương đã đưa công suất nhiệt điện than lên hơn 3.000 MW so với Tờ trình 1682 trình Chính phủ hồi tháng 3/2021.
Một số ý kiến cho rằng tăng nhiệt điện than để hạn chế xây dựng đường truyền tải điện liên miền.
Một số ý kiến cho rằng tăng nhiệt điện than để hạn chế xây dựng đường truyền tải điện liên miền.

Nhiệt điện than đã giảm mạnh so với Quy hoạch điện VII

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) lý giải nguyên nhân của việc tăng công suất nói trên. Theo đó, khi xây dựng tờ trình 1682, các nhà xây dựng QHĐ VIII đánh giá rằng, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ tăng nhanh.

Đồng thời nhận định, nhu cầu tiêu thụ điện của miền Trung thấp trong khi lại có lợi thế rất lớn về tiềm năng năng lượng sơ cấp, nhất là năng lượng gió và mặt trời nên trong dự thảo trước, dự kiến phát triển thêm ở miền Trung một số nguồn điện lớn nhằm cấp điện cho miền Bắc.

Tuy nhiên, thời gian qua, sau nhiều cuộc họp với các chuyên gia ngành điện, các nhà xây dựng dự thảo QHĐ VIII thấy rằng, việc phát triển các dự án điện lớn ở miền Trung đồng nghĩa việc xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc, tổng mức đầu tư lớn, gây nhiều tổn thất.

Do đó, miền Bắc cần chủ động xây dựng thêm các nguồn điện để đảm bảo cân đối nguồn tải nội miền, hạn chế tối thiểu nhận điện từ miền Trung. Đó là lý do tăng nguồn nhiều điện than so với tờ trình 1682.

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, so với QHĐ VII điều chỉnh, sản lượng nhiệt điện than trong dự thảo mới nhất của QHĐ VIII đã giảm khá nhiều và tăng lên đáng kể công suất năng lượng tái tạo.

Cụ thể, tổng nguồn nhiệt điện than của QHĐ VIII năm 2030 là 40,7 GW, thấp hơn con số 55,3 GW năm 2030 tại kịch bản cơ sở của QHĐ VII điều chỉnh. Như vậy, có khoảng gần 15 GW nguồn nhiệt điện than trong QHĐ VII điều chỉnh đã bị loại bỏ, thay thế bằng nguồn điện khác.

Bên cạnh đó, về tỷ trọng, theo QHĐ VII điều chỉnh, đến năm 2030 nhiệt điện than chiếm khoảng 42,7% cơ cấu công suất, trong khi theo dự thảo QHĐ VIII chỉ chiếm khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản cơ sở và 28% với kịch bản cao. Như vậy, tỷ trọng nhiệt điện than đã giảm rất nhiều, sau năm 2035 sẽ không phát triển thêm nữa.

Theo đại diện Bộ Công Thương, QHĐ VIII đã “hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới”. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, được Bộ Công Thương đánh giá có tính khả thi cao nên sẽ được kế thừa trong QHĐ VIII.

Hạn chế xây dựng đường truyền tải

Theo dự thảo mới nhất của QHĐ VIII, chi phí xây dựng cho lưới điện truyền tải khoảng sẽ vào khoảng 13,58 tỷ USD; trong khi theo dự thảo cũ, tổng chi phí cho truyền tải khoảng 32,9 tỷ USD. Như vậy, chi phí xây dựng đường truyền tải đã giảm đến gần 19 tỷ USD.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương đã đúng khi quyết định hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào trong lần rà soát vừa qua. Bởi thực tế, để xây dựng được một đường dây truyền tải tốn vô số nguồn lực kinh tế - xã hội cũng như tài chính.

Do đó, ông Ngãi nói: “Chúng ta chưa thể bỏ ngay lập tức nhiệt điện than bởi đây là nguồn điện quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu điện giá rẻ, tối ưu trong vận hành”.

Cũng theo ông Ngãi, hiện tỷ trọng năng lượng tái tạo đưa lên lưới lớn đã gây ra nhiều bất cập trong việc vận hành hệ thống điện, hiệu quả không cao. Dù công suất lắp đặt bùng nổ mạnh, chiếm tới 30% nhưng sản lượng phát điện chỉ đạt khoảng 12% tổng sản lượng.

Trong khi đó, nhiệt điện có những ưu thế trong vận hành, đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn trong vận hành và gần như rất ít rủi ro. Do đó, việc cung cấp điện các năm tới vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống như thuỷ điện, điện than và việc xây dựng nguồn điện mới tại chỗ là tốt nhất, ổn định và được thực hiện nhanh nhất.

Tại một hội thảo mới đây, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân bày tỏ lo ngại điện than tăng lên so với Tờ trình 1682 có khả năng khiến nhiệt điện than gặp nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn tài chính; giá than tăng mạnh cũng sẽ gây rủi ro trong tương lai. Tuy nhiên, ông Huân cũng đồng tình rằng không thể cắt giảm ngay điện than và phải có lộ trình giảm dần trong thời gian tới.

Đọc thêm