Mới thu nộp vào ngân sách chưa đến 10% số kiến nghị
Trong Quý I/2021, cơ quan thuế tập trung kiểm tra, rà soát số lượng DN đăng ký kinh doanh, số lượng DN tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động đặc biệt là sau dịp Tết nguyên đán, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% DN có kinh doanh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, khai, nộp thuế của DN, xác định chính xác doanh thu làm căn cứ xác định mức thuế khoán phù hợp với thực tế kinh doanh, chống thất thungân sách nhà nước (NSNN).
Trong 3 tháng đầu năm 2021, có 29.459 DN thành lập mới; có 11.002 DN khôi phục kinh doanh, tăng 25,3%. Đến thời điểm 19/3/3021, toàn quốc có 816.403 DN đang kinh doanh, tăng 1,1% so với thời điểm ngày 31/12/2020.
Đối với công tác thanh, kiểm tra, tính đến 15/3, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 5.931 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở DN; đã thực hiện kiểm tra 79.868 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế bằng 116,69% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 6.581,11 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 1.296,54 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 189,44 tỷ đồng; giảm lỗ là 5.095,13 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 622,57 tỷ đồng.
Cũng trong 3 tháng đầu năm, cơ quan Thuế các cấp thu nợ ước đạt 9.074 tỷ đồng, đạt 30,1% chỉ tiêu thu nợ giao. Ước đến 31/3, tổng tiền nợ thuế do cơ quan Thuế quản lý giảm 16,1% so với cùng kỳ. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý xóa nợ và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/03/2021 giảm 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổng cục Thuế, Tổng cục đã chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai thuế của người nộp thuế; tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, rà soát tình hình tạm nộp thuế TNDN, cổ tức, lợi nhuận còn lại của năm 2020 để chủ động đôn đốc DN nộp số thuế TNDN, cổ tức, lợi nhuận còn lại phải nộp theo quyết toán năm 2020 và số tạm nộp thuế, phát sinh các quý đầu năm 2021 sát với thực tế của hoạt động kinh doanh.
Cơ quan Thuế cũng kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Tăng cường tranh tra, kiểm tra tại trụ sở đơn vị có rủi ro cao về thuế
Theo Tổng cục Thuế, trong thời gian tới, cùng với tăng cường quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thêm nguồn lực tài chính cho sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN; tiếp tục triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác hoàn thuế điện tử.
Về công tác thanh, kiểm tra, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các đơn vị thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, các DN hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu, các DN được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế. Các DN có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử, các hoạt động chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án...
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu đối với khu vực DN ngoài quốc doanh, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương triển khai quyết liệt công tác chống thất thu đối các DN nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh nhất là tại những địa bàn trọng điểm và những lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng...
Trên cơ sở chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 mà Tổng cục Thuế đã giao, cơ quan Thuế các cấp sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu nợ thuế. Trong đó, trọng tâm là thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp.
Phân công, giao nhiệm vụ thu nợ đối với người nộp thuế có số nợ thuế lớn đến từng phòng quản lý, lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế, công chức quản lý nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan như: công an, ngân hàng, toà án, quản lý thị trường, kế hoạch đầu tư,... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị quyết số 94/2019/QH14. Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021./.