Quyền chuyển đổi giới tính phải được nhìn nhận trên cơ sở quyền con người

Đề xuất này được PGS.TS Ngô Thị Hường – Khoa Pháp luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội đưa ra tại hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính” diễn ra tại ĐH Luật Hà Nội hôm nay, 23/4.
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Bộ luật Dân sự năm 2014 có Điều 37 ghi nhận việc chuyển đổi giới tính của cá nhân và dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế xây dựng. Những bước tiến về mặt pháp luật này đang rất được cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung mong chờ, bởi từ trước đến nay nhóm người này luôn phải sống trong sự kỳ thị, không thấu hiểu của gia đình, xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3 - 0,5% dân số và không phải người nào trong số họ cũng có nhu cầu phẫu thuật để chuyển giới. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu, xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho thấy, 78% người chuyển giới muốn phẫu thuật chuyển giới, nghĩa là cứ 5 người chuyển giới thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Số còn lại không muốn vì các lý do: pháp luật chưa cho phép 51,9%; điều kiện kinh tế chưa đủ 79,6%; sợ bị ảnh hưởng sức khỏe 38,5%; sợ bị kỳ thị 17,0%; gia đình không cho phép 42,7%.

Chính vì thế, trong quá trình xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính vẫn tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau như: quan điểm cho rằng chuyển đổi giới tính không nhất thiết phải gắn với việc thực hiện các liệu pháp can thiệp về mặt y học; quan điểm cho rằng chỉ thông qua can thiệp phẫu thuật thì mới được công nhận là chuyển đổi giới tính; quan điểm bên cạnh can thiệp phẫu thuật phải đươc pháp luật thừa nhận giới tính mới thì mới được gọi là chuyển đổi giới tính... Nhưng trên thực tế, người chuyển giới sẽ phải với những rủi ro khi phẫu thuật với xác suất thành công là 50/50 và nếu chuyển giới may mắn thành công họ cũng sẽ bị giảm tuổi thọ, cùng với đó là những chi phí tiền thuốc đắt đỏ để duy trì…

Do đó, theo PGS.TS Ngô Thị Hường, bên cạnh việc cần thiết phải sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính thì nhà làm luật cũng cần cân nhắc khi xây dựng các quy định nhằm buộc người chuyển giới phải phẫu thuật hoặc can thiệp y tế thì mới được công nhận là chuyển đổi giới tính, vì theo PGS.TS Ngô Thị Hường quy định như vậy là chưa phù hợp với quan điểm đảm bảo quyền con người.

Có mặt tại hội thảo, Chu Thanh Hà và Nguyễn Trung Nguyên – những người chuyển giới nam cũng chia sẻ nhiều câu chuyện, nhiều khúc mắc về mặt pháp lý, xã hội mà cộng đồng người chuyển giới đang phải đối mặt, để từ đó các nhà làm luật có sự điều chỉnh phù hợp hơn để việc chuyển đổi giới tính thực sự trở thành quyền dân sự như các quyền dân sự khác và được nhà nước bảo vệ và đảm bảo việc thi hành.

Đọc thêm