Quyền im lặng là một công cụ đảm bảo các quyền con người

(PLO) - GS.TS Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và pháp lý ASEAN, cho rằng cần có quyền im lặng đến khi có luật sư  như một cơ chế để kiểm soát đối với hoạt động điều tra.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Quan điểm của Giáo sư  về việc qui định quyền im lặng trong TTHS như thế nào?
- Tôi cho rằng, chỉ một số cán bộ làm công tác điều tra lo ngại qui định quyền im lặng sẽ cản trở hoạt động điều tra, giải quyết vụ án nhưng chắc chắn không phải tất cả những người trong các cơ quan đó đều có cùng quan điểm như vậy. Cũng dễ hiểu thôi, công tác điều tra nhiều khi cần đến những “thủ pháp”, hay nói dân dã là những “chiêu độc” để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng từ những “chiêu độc” thể hiện năng lực phá án đến hành vi vi phạm quyền con người thì chỉ trong gang tấc. Những “độc chiêu” phá án sẽ trở thành tội ác nếu cán bộ điều tra nôn nóng, thích lập thành tích, thích trở thành nổi tiếng trước công chúng, trước lãnh đạo, vô cảm với số phận của con người.
Bên cạnh đó, việc thưởng “nóng”, thăng cấp trước niên hạn do phá án nhanh nếu không có được sự kiểm soát cũng có thể là “con dao hai lưỡi”, biến việc phá án trở thành mục tiêu duy nhất khiến người làm công tác điều tra phải bằng mọi cách phá án. Và nguy hiểm hơn là khi đã thưởng “nóng” rồi, đã công nhận thành tích rồi mà có phát hiện sai thì những người trong cuộc cũng sẽ tìm cách để biện minh là “thà bắt nhầm hơn bỏ sót tội phạm”. Nếu nhìn những vụ án mới đây như vụ án Nguyễn Thanh Chấn, vụ án Vũ Ngọc Dương Công…, thì thấy rất cần một quá trình điều tra minh bạch. 
Công luận, nhất là những người tha thiết muốn có một cơ chế bảo vệ quyền con người, thúc đẩy sự phát triển dân chủ của đất nước trong mọi lĩnh vực đều mong muốn thấy những quá trình điều tra minh bạch, trong đó quyền của người chưa bị tòa án kết tội được bảo vệ một cách đầy đủ và hiệu quả. Không thể yên tâm với nền tư pháp, với quá trình điều tra có những “vụ án oan dậy đất” được. 
Theo tôi, quyền im lặng là một trong những công cụ đảm bảo cho các quyền con người, đồng thời là quyền hiến định của cá nhân theo Hiến pháp 2013. Nếu tất cả những gì xảy ra với người bị bắt, bị giam chỉ diễn ra giữa họ với cơ quan điều tra thì khó có thể đảm bảo ở khía cạnh đảm bảo quyền của người chưa bị kết tội. Những sai phạm có thể được tìm cách che đậy trong vỏ bọc “bí mật của công tác điều tra”. Do đó, cần có quyền im lặng đến khi có LS như một cơ chế để kiểm soát đối với hoạt động điều tra.
GS.TS Lê Hồng Hạnh.
GS.TS Lê Hồng Hạnh. 
Vậy  theo Giáo sư với mô hình TTHS hiện nay ở nước ta thì quyền im lặng nên được thể chế hoá như thế nào cho phù hợp?
- Vấn đề này tôi không thể trả lời ngay được vì thể chế hóa quyền im lặng như thế nào cần phải được phân tích, cân nhắc đầy đủ hết tính phức tạp của vấn đề. Ngay ở Mỹ, quốc gia đầu tiên qui định về quyền im lặng trong TTHS, Tổng thống Mỹ B.Obama cũng phải hối thúc các cơ quan của Chính phủ đưa ra những giải pháp cụ thể để tăng cường tính minh bạch và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là lực lượng cảnh sát sau sự kiện cảnh sát bắn chết người đang làm dư luận Mỹ bất bình. Có thể thấy, chỉ qui định quyền im lặng thôi vẫn chưa đủ mà cần tính minh bạch và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật. 
Vì thế, theo tôi, để thể chế quyền im lặng, chúng ta cần phân tích toàn diện việc thực thi quyền im lặng như thế nào khi vấn đề đó được đưa vào Bộ luật TTHS hay một luật khác. Nếu người bị bắt, bị giữ cứ đòi thực hiện quyền im lặng song không chịu gọi luật sư hay người bào chữa đến thì cơ quan điều tra chẳng lẽ ngồi chờ? Liệu gọi rồi luật sư có chịu đến hay không? Sự có mặt  của luật sư trong thời điểm bắt giam, giữ người có đồng nghĩa với việc họ sẽ tham gia tranh tụng sau này hay không? Cơ quan điều tra chỉ cần dựa vào thẻ luật sư, thẻ nhà báo hay các giấy tờ tùy thân khác để tạo điều kiện cho họ tiếp xúc và có mặt khi cơ quan điều tra thẩm vấn không? Nếu không như vậy thì cơ quan nào có nhiệm vụ phải cấp giấy giới thiệu? Nghĩa vụ nào cần qui định đối với luật sư cả trong luật lẫn trong Qui tắc đạo đức nghề nghiệp? Nghĩa vụ nào, trách nhiệm nào của cơ quan điều tra cần được qui định liên quan đến đảm bảo quyền im lặng? Thời hạn bao lâu phải cấp giấy cho luật sư hay những chủ thể khác tiếp cận việc giam giữ và hỏi cung?... 
Những câu hỏi nêu trên chỉ là một số ít  trong vô số các vấn đề cần phân tích và mổ xẻ khi thể chế hóa quyền im lặng. Vì vậy, thể chế hóa như thế nào thì chắc câu hỏi này cần gửi đến các cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật.
Nếu có qui định về quyền im lặng thì theo Giáo sư, pháp luật phải có cơ chế gì để bảo đảm cho quyền này không bị rơi vào im lặng như thực tế một số quyền tố tụng hiện nay?
-  Tôi thực sự lo ngại rằng vấn đề này chỉ được nêu lên vì nhiều vấn đề của cải cách tư pháp được nêu ra gần chục năm nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, chưa đáp ứng mong mỏi, chờ đợi của công chúng về những thay đổi thực sự trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nên sẽ rất khó đoán trước, nếu quyền im lặng được qui định trong Bộ luật TTHS thì có bị rơi vào im lặng hay không. Điều tôi chỉ muốn nói tới là quyết tâm từ cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật, của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan được coi là nằm trong “khối tư pháp” đối với việc thực thi quyền con người đã được hiến định, mà thực thi quyền im lặng là một phần trong đó.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư! 

Đọc thêm