Dự án Petro VN Landmark cho khách hàng “ngậm trái đắng”?

(PLO) - Chậm tiến độ, liên tục thay đổi chủ đầu tư, chối bỏ trách nhiệm là những điều đang diễn ra tại dự án Petro Vietnam Landmark (P.An Phú, Q.2, TP.HCM). Động thái này khiến nhiều khách hàng điêu đứng.

Liên tục đổi chủ

Có diện tích 1,9 ha, nằm trên địa bàn phường An Phú, quận 2, TP.HCM, Dự án Căn hộ cao cấp PetroVietnam Landmark được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận chuyển nhượng từ Công ty cổ phần Xây dựng số 14 từ tháng 10/2006, với mục đích đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên đang công tác trong ngành dầu khí ở một số đơn vị phía Nam.

Đến năm 2008, thực hiện chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp của Chính phủ theo hướng sắp xếp các đơn vị tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh liên quan vào một đầu mối, PVN đã ký Hợp đồng số 417/HĐKT-PVN chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của mình tại Dự án PetroVietnam Landmark cho Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL). Khi triển khai dự án, PVL có nghĩa vụ bố trí và xây dựng phương án giá hợp lý đối với 300 căn hộ bán cho cán bộ, công nhân viên của PVN.
Dự án PetroVietnam Landmark vẫn đang thi công.
 

Dự án PetroVietnam Landmark vẫn đang thi công.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2009, thì công ty con của PVL là Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) được giao làm chủ đầu tư dự án này.

Năm 2009-2010, chủ đầu tư đã chào bán căn hộ với giá trung bình 23,8 triệu đồng/m2. Tháng 10/2011, PVC Land hạ giá căn hộ xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 để thu hồi tiền mặt về trả nợ ngân hàng. Vào cuối năm 2011, dự án thu hút nhiều người đổ tiền vào mua khi chủ đầu tư đưa ra nhiều ưu đãi “khủng” với điều kiện phải đóng 100% giá trị hợp đồng. Theo hợp đồng, đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho khách mua. 
Hàng trăm khách hàng đã đóng từ 80 đến 100% giá trị căn hộ (theo danh sách có 400 khách hàng đã đóng tiền trung bình từ 1,4 đến 2 tỷ đồng), nhưng đến nay (đã quá hạn giao nhà 3 năm) mà chủ đầu tư vẫn không thể bàn giao nhà.

Tin tưởng dự án do một chủ đầu tư thuộc tập đoàn nhà nước, nhiều khách hàng từ Hà Nội, và các tỉnh/thành phía Bắc cũng lặn lội vào TPHCM mua căn hộ. Thế nhưng, sau 3 năm chờ đợi đến nay hàng trăm khách hàng vẫn phải "ngậm trái đắng”.

Trước các dấu hiệu bất thường tại dự án, Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đã làm việc với PVC Land và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC - công ty mẹ của PVC Land, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Trước đó, chính PVC cũng đã thành lập một tổ công tác kiểm tra dự án. Theo kết quả thanh tra được công bố vào tháng 8-2014, nhiều sai phạm tại dự án đã được phát hiện. 
Trong đó, PVC Land đã ký nhiều chứng từ, chi phí, thanh toán không có dự trù kinh phí, không có thời hạn hoàn tạm ứng. Nhiều khoản chi bằng tiền mặt lên đến hàng trăm triệu đồng sai nguyên tắc, dẫn đến nguy cơ không được khấu trừ thuế; hàng chục hồ sơ đáo đến hạn thanh lý hợp đồng chưa bàn giao, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Cùng đó, Ngân hàng Liên Việt cũng đã khởi kiện PVC Land do nợ quá hạn số tiền cả vốn lẫn lãi hơn 191 tỷ đồng ra TAND Q.1 (TPHCM).

Chưa biết đến khi nào tổ hợp khu dân cư, trung tâm thương mại cao cấp "trong mơ” mới được "tiếp viện”, vì thế hàng trăm khách hàng tham gia dự án đã và đang là những nạn nhân bất đắc dĩ, không biết đến bao giờ mới có nhà.

“Dội gáo nước lạnh” vào khách hàng, PVN chối trách nhiệm?

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án đã hoàn thành được 85% khối lượng công trình. Tuy nhiên dự án đang phải "đắp chiếu” vì chủ đầu tư hết vốn. Để hoàn thành dự án này cần phải chi thêm hơn 543,5 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền khách hàng chưa đóng và những khoản đã lỡ cho nhà thầu tạm ứng dư chỉ khoảng gần 344,2 tỷ đồng, còn thiếu hụt gần 200 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư không thể vay NH do nợ gốc và lãi quá lớn chưa thanh toán. PVC đã cầu cứu Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam ra tay giải cứu để hồi sinh dự án nhưng chưa có câu trả lời.

Một khối cao ốc thi công dang dở thuộc dự án Petro Vietnam Landmark.
 

Một khối cao ốc thi công dang dở thuộc dự án Petro Vietnam Landmark.

Trước việc dự án rơi vào tình cảnh không có lối thoát, những CBCNV của PVN lỡ mua phải căn hộ "ưu đãi” liên tiếp gửi đơn cầu cứu Tập đoàn cũng như các cơ quan chức năng nhờ can thiệp để dự án sớm khởi động và bàn giao nhà cho người dân. Ngày 16-10-2014, ông Vũ Ngọc Thuyên – Phó Trưởng ban Thanh tra PVN ký công văn số 7167/DKVN-TTr trả lời kiến nghị của CBCNV Tập đoàn.
Công văn tiếp tục khẳng định: ngày 2-10-2006, PVN đã ký HĐ số 828/HĐKT-CC14-ĐT nhận chuyển nhượng dự án PetroVietnam Landmark để đầu tư xây dựng nhà ở cho CBCNV đang công tác trong ngành ở một số đơn vị phía Nam để ổn định cuộc sống và cống hiến tốt hơn cho tập đoàn. Tuy nhiên, cũng tại công văn này PVN lại cho rằng: "ngày 13-6-2008, PVN đã ký hợp đồng số 4171/HĐKT-PVN chuyển nhượng quyền lợi và nghĩa vụ tại dự án cho công ty con của mình. 
Tại thời điểm khi khách hàng ký HĐ mua căn hộ, PVN không còn là chủ đầu tư dự án chung cư PetroVietnam Landmark. Đồng thời không còn là một bên tham gia ký kết HĐ mua bán nhà với CBCNV trong quá trình đầu tư dự án. Do vậy việc giải quyết đơn thư của khách hàng là CBCNV trong ngành mua căn hộ chung cư PetroVietnam Lanmark không thuộc thẩm quyền giải quyết của PVN”.

Công văn trả lời của PVN giống như một gáo nước lạnh dội xuống khiến những CBCNV trong ngành không khỏi thất vọng. Bà Tần Thị Châu Giang bức xúc: "PVN nói đã chuyển nhượng dự án từ năm 2008 để thoái thác trách nhiệm là không thể chấp nhận được. Dù dự án đã chuyển nhượng lại cho các công ty con, cháu của PVN thực hiện nhưng ngày 14-1-2010, chính ông Lê Minh Hồng – Phó TGĐ PVN vẫn ký quyết định số 117/QĐ-DKVN phê duyệt danh sách 300 CBCNV đủ tiêu chuẩn mua căn hộ Petrovietnam Landmark. Ngày 2-8-2010, PVN lại ban hành Công văn số 1813/DKVN-TCNS đề nghị thủ trưởng các cơ quan đơn vị "đôn đốc nhắc nhở các CBCNV để hoàn thiện việc bốc thăm và ký hợp đồng… Điều này chứng tỏ vai trò rất lớn của PVN trong dự án này…”

Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu giải quyết dứt điểm

Không đồng tình với cách trả lời của PVN, những CBCNV trong ngành dầu khí mua căn hộ PetroVietnam Landmark tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Ngày 30-10-2014, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên thừa lệnh Bộ trưởng đã ký công văn số 635/TTr-KNTC gửi PVN và PVC yêu cầu nhanh chóng giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của khách hàng.

Trong đó, thanh tra Bộ xây dựng nhấn mạnh các nội dung tố cáo, khiếu nại của khách hàng như chủ đầu tư dự án chậm bàn giao căn hộ; vi phạm hợp đồng mua bán căn hộ đã ký với khách hàng; không nộp tiền sử dụng đất của dự án dẫn tới khách hàng mua căn hộ sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất; thế chấp toàn bộ dự án cho ngân hàng, trong đó có cả những căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền…

Báp Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh về sự việc này./.

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm