“Miễn thuế nhầm cho Formosa: Dễ tạo ra những tiền lệ xấu” - đó là nhận định của PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khi nói tới việc này.
Ông lý giải: Theo quy định tại Thông tư 60/2012/TT-BTC năm 2012 của Bộ Tài chính thì khoản miễn 176 tỷ đồng tiền thuế không phải do Formosa Hà Tĩnh bỏ tiền túi nộp cho ngân sách Việt Nam mà Formosa Hà Tĩnh chỉ là đối tượng khấu trừ và nộp hộ nhà thầu nước ngoài. Mặt khác, nhà thầu này lại không phải đối tượng chịu ảnh hưởng từ sự cố ngày 13/5/2014. Vì thế, việc chỉ đạo miễn thuế cho Formosa Hà Tĩnh bằng mệnh lệnh hành chính (MLHC) rõ ràng là chưa đúng với các quy định hiện hành. (Xin lưu ý Thông tư này đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2014).
Chúng ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào cuộc chơi lớn toàn cầu. Đáng tiếc “tư duy mệnh lệnh” còn là một thứ quyền lực đáng sợ thời kinh tế thị trường. Nhiều trường hợp can thiệp bằng MLHC và quản lý kinh tế đã, đang và sắp diễn ra. Ví dụ như việc UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị cho Đạm Ninh Bình được chuyển vốn vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ thành vốn đầu tư của Nhà nước. Từ chỗ Đạm Ninh Bình đi vay thì bây giờ nếu Chính phủ đồng ý ngân sách nhà nước (NSNN) bỏ tiền vào đó như một thành phần đầu tư thì Nhà nước cũng sẽ phải gánh chịu cả những khoản lỗ ở đó.
Ngay câu chuyện có doanh nghiệp đề nghị Chính phủ bỏ 5.000 tỷ đồng ứng trước cho “dự án tạo mưa” nếu được phê duyệt cũng là MLHC. Tương tự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều chuyên gia đề nghị Chính phủ phải bỏ vài tỷ USD từ NSNN để xóa nợ xấu cho các ngân hàng thương mại, nếu Chính phủ đồng ý thì đó chính là MLHC giúp các ngân hàng “làm đẹp” con số nợ xấu. Thực chất, ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ theo nguyên tắc thị trường “lời ăn, lỗ chịu” tại sao lại như vậy?.
Những MLHC nhằm áp đặt giá cả luôn có tác dụng giống như một liều thuốc kháng sinh đem lại tác dụng hữu hiệu đối với thị trường trong những thời điểm cụ thể. Song, khi nó được sử dụng để can thiệp vào thị trường một cách thường xuyên, bằng cách “ẩn nấp” dưới hình thức một văn bản dưới luật, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc và làm mất đi sức đề kháng của thị trường.
Các cơ quan quản lý nhà nước, vì thế, đã đến lúc cần trả thị trường cho thị trường. Nhà nước chỉ cần tạo ra khuôn khổ luật pháp và giám sát để cho các thành phần kinh tế hoạt động đúng luật pháp và theo quy luật kinh tế thị trường, cố gắng giảm bớt những “biệt đãi” cho từng dự án, từng doanh nghiệp; giảm dần, tiến tới xóa bỏ việc can thiệp mang tính MLHC vào quy trình hoạt động kinh tế.
Đó là yêu cầu của phát triển!