Mới đây, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa thực hiện cấp GPLX quốc tế cho người dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam. Theo đó, giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp sẽ có hiệu lực ở 85 quốc gia trên thế giới theo Công ước Quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna).
Xuất phát từ nhu cầu bức thiết
Trước thực tế và nhu cầu của hoạt động hội nhập, việc sinh hoạt ở nước ngoài đã và đang trở nên phổ biến với công dân Việt Nam. Thế nhưng trong thời gian tạm trú, phần đa công dân Việt Nam đều mắc phải trở ngại trong việc di chuyển thiếu chủ động và phụ thuộc bởi quy định khắt khe của nước sở tại. Vì vậy, việc cấp GPLX quốc tế (còn gọi là bằng lái xe quốc tế) dường như đã trở thành điều đang mong mỏi của công dân Việt Nam hoạt động ở nước ngoài.
Được biết, khi có bằng lái xe quốc tế, công dân có thể chủ động di chuyển qua các quốc gia khác nhau mà không gặp bất kì trở ngại nào về giấy tờ, chứng nhận pháp lý về khả năng, điều kiện điều khiển phương tiện. Ngoài ra, GPLX quốc tế còn được chấp nhận như là một thẻ căn cước thay thế cho hộ chiếu. Chỉ cần sở hữu GPLX quốc tế, chủ thẻ dễ dàng thuê khách sạn, mở thẻ ATM hoặc làm những thủ tục khác yêu cầu có sự xác nhận của hộ chiếu, đây là một tính năng rất đặc biệt mà không một loại thẻ nào có được.
Nếu không có GPLX quốc tế, công dân có thể không có cơ hội thuê xe tự lái ở nước ngoài bởi hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ chấp nhận cho thuê xe nếu chúng ta có bằng lái xe quốc tế. Và việc đổi bằng tại Việt Nam còn hết sức thuận tiện khi người đổi bằng không phải trải qua bất kì một cuộc thi sát hạch nào, bởi vì GPLX quốc tế thực chất là một bản dịch hợp pháp chuyển đổi bằng lái xe nội địa sang bằng lái quốc tế và có giá trị sử dụng trên nhiều quốc gia.
Và những điều chưa biết
Theo ghi nhận, những ngày đầu cấp GPLX quốc tế, tại các địa điểm cấp, thủ tục hành chính phục vụ cấp GPLX hiện tại cơ bản đã được tối giản hóa. Ngoài các giấy tờ cá nhân cần thiết, người có nhu cầu chỉ cần đến bộ phận “một cửa” để chụp ảnh và thu nhận chữ ký tại chỗ. Thuận lợi trong khâu đoạn hành chính cũng là yếu tố quan trọng giúp “giảm tải” lượng người đến xin cấp, đổi GPLX quốc tế.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, Sở này nhận cấp GPLX quốc tế cho tất cả công dân Việt Nam, đáp ứng đầy đủ điều kiện theo Thông tư của Bộ GTVT, có GPLX bằng vật liệu PET, còn thời hạn. Tức là, một công dân có GPLX quốc gia do Sở GTVT tỉnh, thành phố khác cấp hoàn toàn có thể đến Sở GTVT Hà Nội làm thủ tục xin cấp GPLX quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng lưu ý, GPLX quốc tế có thời hạn không quá 3 năm. Người được cấp GPLX quốc tế là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng.
Tuy nhiên, GPLX quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị trên lãnh thổ Việt Nam. Khi được cấp GPLX quốc tế, lái xe ở các quốc gia tham gia Công ước bắt buộc phải mang cả hai: một GPLX do Việt Nam cấp và GPLX quốc tế. Việc bắt buộc lái xe phải có hai GPLX khi ra nước ngoài nhằm mục đích chống làm giả GPLX.
Trước những ưu điểm đó cũng cần lưu ý là GPLX quốc tế do Việt Nam cấp không được sử dụng tại Việt Nam mà chỉ được sử dụng ở các quốc gia tham gia Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna). Đồng nghĩa với việc GPLX quốc tế có giá trị hiệu lực với các nước tham gia Công ước.
Theo ghi nhận, hầu hết các quốc gia có tay lái thuận như Việt Nam đều tham gia vào Công ước này như Italia, Đức, Nga, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Bỉ, Czech, Pháp… Tuy vậy, số quốc gia Đông Nam Á tham gia Công ước này lại khá khiêm tốn, chỉ có Philippines và Việt Nam. GPLX quốc tế sẽ ghi rõ lái xe được lái ôtô, môtô loại nào.
Giấy phép lái xe quốc tế (IDP) có hình thức như một quyển sổ có kích thước A6 (148 x 105cm) có ký hiệu bảo mật, bìa màu xám, những trang giấy bên trong màu trắng. Trong đó, trang 1 (trang bìa) ghi thông tin cơ bản của IDP được in song ngữ. Số IDP được sử dụng dãy số tự nhiên bao gồm 15 chữ số, 3 chữ số đầu là mã quốc gia (084), 12 chữ số sau là số GPLX quốc gia Việt Nam. IDP có các thời hạn từ 1-3 năm kể từ ngày cấp phù hợp với thời hạn của GPLX quốc gia. Hạng xe được điều khiển của GPLX quốc gia do Việt Nam cấp tương ứng với các hạng xe của IDP."