Quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp

(PLVN) - Nhằm góp phần làm sáng tỏ các khía cạnh lý luận và thực tiễn của quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay” do TS Nguyễn Minh Khuê làm chủ biên.

Quyền tư pháp là một trong những thành tố cốt lõi của nhà nước pháp quyền và cũng là một bộ phận quan trọng trong nền tảng chính trị - xã hội hiện đại. Quyền tư pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các giá trị công lý, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và duy trì sự ổn định xã hội. Trong quá trình thực hiện quyền tư pháp, cơ quan tư pháp phải tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch; các quyết định tư pháp phải chịu sự giám sát của các cơ quan nhà nước và xã hội.

Ở Việt Nam, vấn đề quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã và đang trở thành một chủ đề được quan tâm sâu sắc, không chỉ từ góc độ lý thuyết pháp lý mà còn trong thực tiễn thi hành pháp luật. Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện của Đảng đang đặt ra nhiều yêu cầu về việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong bối cảnh tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra các nhiệm vụ: “Hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền”.

Cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng về quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình mà còn đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam trong thời gian tới trong 3 chương sách. Cụ thể:

- Chương 1: Một số vấn đề lý luận về quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp;

- Chương 2: Quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam;

- Chương 3: Giải pháp đảm bảo thực hiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện quyền tư pháp và trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam

Cuốn sách được phát hành tại Nhà xuất bản Tư pháp: Số 35 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; hoặc số 200C, đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 TP Hồ Chí Minh. Hotline: 0989819688.

Đọc thêm