Chuyện của người nổi tiếng
Khi câu chuyện diễn viên Công Lý bị lấy hình ảnh đưa lên bìa một cuốn sách luật, nhiều người suy nghĩ rằng việc nhà xuất bản kia bị xử phạt chẳng qua là do cách sử dụng hình ảnh phản cảm.
Ngoài việc yêu cầu Tòa án buộc người đó phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền về hình ảnh, công khai xin lỗi, người khởi kiện có thể yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi vi phạm phải bồi thường tổn thất về tinh thần.
Và đến khi Đan Lê kiện một công ty cổ phần chăm sóc sắc đẹp vì đã tự ý sử dụng hình ảnh Đan Lê trên website, độc giả lại nghĩ rằng: Chẳng qua vì “hot girl thời tiết Đan Lê” ấy là người nổi tiếng.
Tuy nhiên, sự thực là nếu diễn viên Công Lý được đưa lên bìa sách trong hình ảnh lịch sự, đầy trọng thị, hay không phải hotgirl thời tiết Đan Lê mà một cô gái vô danh nào đó trong cộng đồng thì họ vẫn có quyền khởi kiện nếu hình ảnh của họ bị sử dụng chưa qua xin phép?
Và cũng không phải chỉ khi sử dụng hình ảnh có mục đích sinh lời thì mới phải xin phép, bởi BLDS đã quy định rõ: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Đây là sự khẳng định của Nhà nước về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của bản thân mình. BLDS quy định cá nhân có quyền được phép sử dụng hình ảnh của mình, quyền cho người khác sử dụng hình ảnh của mình, quyền được bảo vệ đối với hình ảnh của cá nhân trước những hành vi sử dụng hình ảnh trái phép.
Khoản 2 Điều 31 của BLDS 2005 cũng quy định cụ thể: “ Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc quy định khác”.
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Như vậy, theo điều luật nói trên, về nguyên tắc cá nhân tổ chức bất kì sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích bất kì (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Điều này cũng có nghĩa là việc sử dụng hình ảnh của cá nhân, dù có sự đồng ý của người đó, nhưng nếu việc sử dụng hình ảnh này lại xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thì vẫn là xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân.
Quay lại với trường hợp hai nhân vật mà bài viết đã nhắc đến ở trên, trong trường hợp của Đan Lê, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã ký Quyết định số 60/QĐ-XPVPHC, xử phạt công ty có hành vi vi phạm quyền về hình ảnh của Đan Lê. Theo quyết định xử phạt, công ty này đã vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định số 158 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Mức phạt hành chính được đưa ra là 50 triệu đồng và đơn vị này buộc phải tháo gỡ hình ảnh Đan Lê trên website công ty.
MC Đan Lê đã chia sẻ với truyền thông lý do chị quyết định khiếu nại công ty này. Trước đó từng có nhiều công ty sử dụng trái phép hình ảnh của cô để quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, một số đơn vị sau khi nhận được yêu cầu từ nữ diễn viên đã xin lỗi và nhanh chóng gỡ bỏ hình ảnh. Đối với sự việc lần này, sau nhiều lần góp ý, công ty vẫn cố tình có hành vi trái phép. Do muốn bảo vệ hình ảnh cá nhân, Đan Lê đã quyết định nhờ pháp luật can thiệp.
Nhà xuất bản sử dụng hình ảnh của diễn viên Công Lý đưa lên bìa cuốn sách cũng đã bị phạt 128 triệu đồng, trong đó có hành vi xúc phạm danh dự của cá nhân bằng việc thể hiện hình ảnh trên bìa 1 của cuốn sách.
Tình trạng đáng báo động
Không chỉ có Đan Lê, Công Lý mà nhiều người nổi tiếng khác cũng đã từng bị sử dụng hình ảnh không xin phép. Hoa hậu Kỳ Duyên bị một trang web ở nước ngoài lấy nhiều hình ảnh của cô để minh họa cho một bìa đĩa có yếu tố nhạy cảm và “người lớn” của Nhật Bản. Jennifer Phạm từng bị một thẩm mỹ viện Hàn Quốc tùy tiện sử dụng hình ảnh của cô. Hoa hậu Diễm Hương cũng từng phát hiện nhiều nhà thuốc sử dụng hình ảnh của cô với nội dung quảng cáo cho một thương hiệu làm đẹp. Ca sỹ Hồ Ngọc Hà, Hoa hậu Thu Thảo,… cũng thường xuyên bị lấy hình để quảng bá cho các sản phẩm bán online…
Có thể khẳng định, trong các quyền dân sự của cá nhân thì quyền nhân thân là một phần rất quan trọng. Quyền nhân thân nói chung và quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình nói riêng là một trong những nội dung cơ bản của quyền con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh cá nhân mà chưa được sự cho phép đang ở mức báo động. Báo động hơn nữa là chính những cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm cũng đang dễ dàng thỏa hiệp, tự bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình được pháp luật bảo vệ.
Theo Luật sư Vũ Văn Lợi (Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi) - việc sử dụng hình ảnh cá nhân dù với mục đích sinh lời hay không sinh lời đều cần phải được sự cho phép của cá nhân đó.
Thưa ông, hiện nay có trào lưu sử dụng hình ảnh người nổi tiếng trên mạng xã hội để câu view, người có hành vi này chỉ có mục đích vui vẻ, không có động cơ kiếm tiền hay mục đích gì xấu, vậy hành vi đó có được phép hay không?
- Theo quy định tại Điều 31 BLDS 2005 thì quyền về hình ảnh là quyền của cá nhân, việc đưa hình ảnh của cá nhân mà không được phép của họ thì đều là hành vi trái pháp luật?
Nếu dùng hình ảnh để quảng cáo cho hoạt động kinh doanh, vì mục đích thương mại thì phải xử lý như thế nào?
- BLDS hiện hành quy định quyền hình ảnh là quyền của cá nhân, nếu người đó không cho phép thì việc đưa lên dù mục đích gì cũng không được phép.
Nếu hình ảnh của mình bị người khác tự ý sử dụng, cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thưa ông?
- Người bị dùng hình ảnh mà không được sự đồng ý, dù có hay không bị những hiệu ứng trái ý muốn đều có thể gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Khi hình ảnh đó liên quan đến lĩnh vực điều chỉnh của cơ quan nào thì gửi đơn đến cơ quan đó. Thậm chí là gửi đến tòa án để đòi bồi thường, yêu cầu không được sử dụng hình ảnh mà chưa có sự cho phép của mình.
Xin cám ơn Luật sư!