Quyết liệt hơn để tiêu cực không “nhờn thuốc”

(PLO) - Sáng qua (13/10), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chủ trì Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thảo luận về Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Đảng ủy Công an Trung ương trình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.
Trình bày Đề án của Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) xảy ra ở nhiều địa phương mà nguyên nhân chính là một số cán bộ suy thoái, thực dụng, chủ động thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Theo Đề án của Ban Cán sự Bộ Tư pháp, nhìn chung thực trạng tiêu cực trong hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý là không nhiều nhưng diễn biến khá phức tạp, tập trung vào một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp. Thực trạng này là do các hành vi tiêu cực trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý đa dạng, phức tạp, không dễ nhận biết, từ nguy cơ nội tại phát sinh tiêu cực và tác động của quá trình xã hội hóa các dịch vụ công do Bộ Tư pháp quản lý.
Tuy công tác phòng, chống tiêu cực đã được Bộ Tư pháp thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện, giải pháp song tiêu cực chưa có dấu hiệu chững lại, ngược lại còn có dấu hiệu tiếp tục tăng ở một số lĩnh vực hoạt động như thi hành án dân sự, công chứng, chưa phát hiện và xử lý được hết.
“Nếu chỉ áp dụng các biện pháp hiện nay thì hiệu quả sẽ không cao, tiêu cực có thể sẽ “nhờn thuốc” nên cần có các biện pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa” – Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định. Vì vậy, để từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tiêu cực, 2 Đề án đã đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp như giám sát, phát hiện, xử lý tiêu cực, phát huy vai trò của xã hội, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phòng, chống tiêu cực, cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin…
Đồng tình, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị xác định giải pháp ưu tiêu, mang tính đột phá cho phù hợp với tình hình mới; đồng thời quy định chặt chẽ, nghiêm minh trong xử lý các hành vi tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp; có cơ chế khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ những cá nhân, tổ chức phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Riêng trong hoạt động của lực lượng CAND, Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý đến việc móc ngoặc giữa điều tra viên với kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, người thân của bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng và các biểu hiện tiêu cực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan điều tra, đơn vị có liên quan trong CAND./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng ban Chỉ đạo chỉ rõ: “Tiêu cực trong hoạt động tư pháp dù mức độ không đáng kể vẫn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quá trình xây dựng nền tư pháp công minh, liêm chính, vững  mạnh, vì con người. Vì vậy, các Đề án cần được nghiên cứu kỹ, phản ánh đầy đủ thực trạng, giải pháp phải đáp ứng được tính đồng bộ, đột phá và đảm bảo tính đặc thù cho những lĩnh vực “thường xuyên xảy  ra tiêu cực”; đồng thời cần chú trọng đến quá trình tổ chức thực hiện để các Đề án phát huy tác dụng trong thực tế, góp phần tích cực cho việc phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp”.

Đọc thêm