Sau khi nghe báo cáo của Cục THADS Hà Nội về kết quả THADS trong hình sự, án tham nhũng; việc thi hành phần trách nhiệm dân sự trong một số vụ án hình sự kinh tế - tham nhũng điển hình, có giá trị phải thi hành lớn như vụ liên quan đến Vinalines Dương Chí Dũng, vụ Vinashin; vụ bầu Kiên; vụ “đại án nghìn tỷ” tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; các giải trình, báo cáo, đề xuất, kiến nghị của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục, đại diện các chi cục, chấp hành viên, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và những kết quả của THADS Hà Nội trong THADS nói chung, THADS trong hình sự, án tham nhũng nói riêng. “Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn như hiện nay, Hà Nội đã vượt qua, hoàn thành các chỉ tiêu là rất đáng ghi nhận”.
Khẳng định tầm quan trọng của việc thi hành các loại án nói trên trong thực tiễn, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của THADS Hà Nội như: tỷ lệ thi hành thấp, nhiều việc kéo dài, có những việc chưa thực sự quyết liệt… Do đó, Thứ trưởng yêu cầu, lãnh đạo Cục cần quán triệt đến các chi cục, cán bộ, chấp hành viên để chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tập trung và quyết liệt hơn. Các việc khó có thể bố trí thêm người để tạo chuyển biến. Trong công tác xác minh điều kiện thi hành án phải đi đến cùng.
Riêng đối với các vụ việc tồn đọng trên 10 năm cần phải rà soát lại, có thể lập các tổ để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn. Với các vụ án lớn như Vinashin, Vinalines, vụ “đại án nghìn tỷ” tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam… phải phân công lãnh đạo Cục phụ trách để đảm bảo công tác điều phối chung. Tổng cục THADS cần khẩn trương tổng hợp các khó khăn vướng mắc của Hà Nội để có báo cáo lãnh đạo Bộ kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ. Những vụ việc liên quan đến nhiều tỉnh, thành thì cần có giao ban thường xuyên để nắm bắt tình hình, khó khăn phải có biện pháp tháo gỡ. Thanh tra Bộ cần tăng cường công tác giám sát nhất là các vụ án lớn để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan.
Cục trưởng Lê Quang Tiến đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc Cục, các chi cục rà soát lại các vụ việc nổi cộm để thực hiện ngay các chỉ đạo của Thứ trưởng vì thời gian không còn nhiều. Cục trưởng cũng hứa sẽ quyết tâm hơn nữa để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Báo cáo của Cục THADS Hà Nội cho biết, kết quả tổ chức thi hành các vụ việc THADS trong hình sự về tiền đạt được thấp. Số việc, tiền còn tồn chuyển kỳ sau lớn, trong đó đặc biệt số lượng việc/tiền chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ cao. Các khoản phải thi hành còn tồn đọng chủ yếu là khoản tiền bồi thường, truy thu, truy nộp, tiền phạt của các cá nhân phạm tội liên quan đến án kinh tế- tham nhũng, giá trị phải thi hành lớn nhưng khó khăn trong việc xác minh, xử lý, thu hồi tài sản cho Nhà nước và người được thi hành án khác.
Theo Cục THADS, khó khăn là loại việc THADS trong các bản án, quyết định hình sự của Tòa án trong thời gian qua tiếp tục tăng cao; đặc biệt trong tháng 6/2017 mới thụ lý một số vụ việc có giá trị phải thi hành tăng đột biến là vụ đại án tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với giá trị thi hành trên 3.000 tỷ đồng, hoặc vụ việc trong một vụ án có đến 398 người được thi hành án với giá trị phải thi hành trên 200 tỷ đồng.
Kết quả thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác trong các vụ án dân sự trong hình sự, vụ án tham nhũng còn nhiều hạn chế, tiến độ giải quyết còn chậm, án tồn nhiều, chưa đáp ứng được kế hoạch công tác. Một số vụ việc bán đấu giá tài sản kê biên gặp nhiều khó khăn do không có người mua, hoặc khó khăn trong việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá do đương sự chống đối hoặc gặp các vướng mắc khác.
Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra, theo Cục THADS Hà Nội trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, người phạm tội đã chủ đích không đứng tên chủ sở hữu tài sản, không kê khai tài sản, tẩu tán hoặc che giấu tài sản tinh vi nên khó xác minh tài sản, việc xác minh tài sản, nguồn gốc tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn, đạt hiệu quả thấp, số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản xác minh, xử lý được để thi hành án có giá trị nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án.
Việc xử lý tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn như bán đấu giá nhiều lần không thành; ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; lực lượng biên chế cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án trong toàn thành phố Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn; trung bình một chấp hành viên phải giải quyết số hồ sơ thi hành án là cao...
Về kết quả việc thi hành án tồn đọng trên 10 năm: Tổng số còn tồn: 1.248 việc/49.645.068.000 đồng. Sau khi chỉ rõ các nguyên nhân, Cục THADS TP Hà Nội cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp. Hà Nội cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo THADS thành phố, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện phối hợp có hiệu quả với Cơ quan THADS trong việc tổ chức THADS nói chung và đối với các việc THADS còn tồn đọng 10 năm nói riêng, đặc biệt là các vụ tồn đọng do công tác chỉ đạo việc cưỡng chế, công tác phối hợp trong THADS và cưỡng chế thi hành án, trong việc xây dựng phương án bảo vệ cưỡng chế thi hành án.