Quyết liệt ngăn chặn ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài

(PLO) - Những năm gần đây, tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ có xu hướng gia tăng. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế mà đến cả tính mạng của ngư dân, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Indonesia đánh chìm các tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu cá Việt Nam khai thác trái phép.
Indonesia đánh chìm các tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu cá Việt Nam khai thác trái phép.

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016, cả nước đã xảy ra 170 vụ/275 tàu cá với trên 2.000 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn chặn, đập phá, tịch thu tài sản. Trong đó, 3 vụ/4 tàu, 42 ngư dân bị tàu nước ngoài truy đuổi, dùng súng bắn  làm  chết 1, bị thương 3 người. Từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 119 vụ/204 tàu/1.635 ngư dân của các tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bình Định, Khánh Hòa, Cà Mau, Bến Tre, Phú Yên, Bình Thuận, Hải Phòng, Tiền Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, ngăn chặn.

\Trong đó, tại vùng biển phía Nam, các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Brunei đã bắt giữ, xử lý 22 vụ/35 tàu/282 ngư dân Việt Nam. Tại vùng biển các quốc đảo ở Thái Bình Dương cũng ghi nhận ngư dân Việt Nam vi phạm, bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý.

Cụ thể, Australia bắt giữ, xử lý 3 vụ/4 tàu/59 ngư dân; Solomon 1 vụ/3 tàu/45 ngư dân; New Caledonia (lãnh thổ hải ngoại của Pháp) 4 vụ/6 tàu/90 ngư dân; Papua New Guinea 1 vụ/3 tàu/ 51 ngư dân. Đáng chú ý, thời gian gần đây, phía Pháp cho rằng các hoạt động đánh bắt hải sản trái phép của ngư dân Việt Nam tại vùng biển New Caledonia ngày càng tăng. Ngư dân Việt Nam sẵn sàng chạy trốn, thậm chí chống trả lực lượng chức năng khi bị truy đuổi. Trước tình hình này, chính quyền New Caledonia và lực lượng Hải quân Pháp đã được lệnh bắn chìm tất cả các tàu khai thác trái phép trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý Biển, Bộ Tư lệnh BĐBP, tình hình tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép ở khu vực ASEAN giảm, đặc biệt là tại Thái Lan, Malaysia nhưng tăng lên ở khu vực các quốc đảo ở Thái Bình Dương và vùng biển chồng lấn với Indonesia. Lực lượng chức năng Indonesia nhiều lần truy đuổi, bắt giữ, sử dụng vũ khí bắn vào tàu cá, ngư dân Việt Nam tại khu vực vùng biển cách Bắc đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia từ 12 hải lý, gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của ngư dân và làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tình trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới. Để ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Tư lệnh BĐBP đã chỉ thị Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành tuyến biển và các hải đoàn tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư... để phối hợp kiểm tra, giám sát, quản lý các tàu cá hoạt động trên các vùng biển, nhất là các tàu cá hoạt động ở vùng biển tiếp giáp với nước ngoài. Phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các chủ tàu cá và ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Trong thời gian tới, các đơn vị BĐBP tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân nắm được các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản của Việt Nam, quốc tế và các nước có tàu cá ngư dân Việt Nam vi phạm; đồng thời, hướng dẫn cho ngư dân biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là các khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền trực tiếp cho các phương tiện tàu cá hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Trước khi tàu ra biển hoạt động, yêu cầu chủ phương tiện, thuyền trưởng phải viết cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không đưa tàu cá và ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép và thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với lực lượng chức năng Việt Nam.

Thực tế, trong số tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, đánh đập, có không ít tàu cá, ngư dân đang hành nghề ở vùng biển chồng lấn, vùng biển chưa phân định, thậm chí ở vùng biển nước ta. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy quá trình đàm phán phân định vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam với các nước; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các nước trong trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển. Đối với vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, hai nước cần sớm đàm phán thống nhất về hoạt động khai thác hải sản, phương thức kiểm soát, các chế tài áp dụng chung cho các hành vi vi phạm về đánh bắt hải sản, góp phần giữ vững chủ quyền và củng cố mối quan hệ giữa hai nước. 

Đọc thêm