Cửa lạch bị bồi lắng, âu thuyền xây dựng kéo dài nhiều năm hoặc chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng… gây khó khăn cho tàu cá ra vào, ảnh hưởng đến nỗ lực vươn khơi bám biển của bà con ngư dân.
Khi âu thuyền không đủ sức chứa
Âu thuyền Thanh Khê nằm cạnh cảng cá Thanh Khê (Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Bến neo đậu tàu thuyền Thanh Khê được thiết kế có sức chứa tối đa cho 350 tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân trên biển khi có bão. Thế nhưng khi cơn bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, đã có gần 500 tàu thuyền neo đậu tại đây (nhiều tàu cá khác về muộn phải tìm chỗ đậu ngoài âu tàu). Trong đó, gần một nửa số tàu là của ngư dân địa phương (Quảng Bình), số tàu còn lại là của ngư dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá...
Mỗi con tàu gỗ trị giá trên dưới tỷ đồng. Còn tàu thép trị giá gần 20 tỷ đồng. 9h sáng ngày 15/9/2017, thời điểm bão số 10 chuẩn bị đổ bộ, sóng to, gió lớn dồn dập khiến ít nhất hai tàu cá bị đắm ở rìa ngoài của âu tàu, khu vực cửa sông. Đó là những con tàu không vào được âu tàu do âu tàu đã quá tải. Sóng gió khiến nước biển dâng cao gần 2m, đẩy ngược vào lòng cửa sông. Điều ngư dân lo ngại nhất là tàu thuyền của mình sẽ bị đẩy vào bờ theo con nước lớn và mắc cạn.
Một ngày sau khi cơn bão số 10 đi qua, nhiều chủ tàu của TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ngồi thẫn thờ bên bờ đê sông Quyền, phường Kỳ Ninh, ngước nhìn về phía những con tàu bị sóng đánh chìm trên sông và đánh dạt lên bờ, gây hư hỏng nặng. Ngay sát chân cầu Hòa Lộc, 4-5 con tàu công suất lớn bị sóng đánh lên bờ, xếp chồng lên nhau. Cách đó không xa, một con tàu khác cũng bị sóng đánh bật lên khỏi triền đê, nằm phơi bụng cách lòng sông khoảng 200m. Theo bờ đê, càng đi về phía cửa sông Quyền, hình ảnh những con tàu bị sóng đánh dạt lên bờ xuất hiện nhiều hơn.
Từ trước đến nay, cửa sông Quyền là nơi tránh trú bão chủ yếu của tàu, thuyền ở các xã, phường của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Tuy nhiên, do việc xây dựng những cây cầu nối hai bờ sông Quyền quá thấp khiến cho tàu công suất lớn không thể vào sâu trong nội địa để tránh bão lớn. Bão số 10 vừa qua với sức gió, sóng giật quá mạnh khiến nhiều tàu cá neo đậu tại đây bị thiệt hại nặng nề.
Mất an toàn từ cửa lạch bị bồi lắng
Mỗi khi có bão, các tàu thuyền được gọi hối hả vào bờ, dù rằng có tàu chỉ đánh bắt được ít hải sản, trong khi chi phí tiền dầu rất lớn. Đã vậy, khi vào bờ, nhiều tàu thuyền không biết neo đậu ở đâu để tránh trú bão khi các âu thuyền đều quá tải hay xuống cấp, thiết kế không phù hợp, dẫn đến tình trạng âu thuyền tránh bão trở thành cái “bẫy” nguy hiểm cho tàu thuyền. Thuyền nhỏ neo đậu tránh bão đã khó, thuyền công suất lớn tìm được nơi tránh trú an toàn càng gian nan hơn, nhất là khi có bão lớn.
Hà Tĩnh có bờ biển dài 137km, với 20 con sông lớn nhỏ đổ ra bốn cửa lạch. Với lợi thế này, hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản ở Hà Tĩnh ngày càng phát triển cả về cơ cấu đội tàu, năng suất, sản lượng. Đến nay toàn tỉnh có 7.045 tàu khai thác hải sản, tổng công suất hơn 200.000 CV. Trong đó, tàu xa bờ 353 tàu, tàu vùng lộng 778 chiếc, tàu ven bờ 5.914 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản bình quân khoảng 30.000 – 35.000 tấn/năm.
Mặc dù hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản ở địa phương này đã có bước phát triển nhất định song dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là hiện trạng hạ tầng các khu neo đậu, tránh trú bão tại đây lại đang tồn tại rất nhiều bất cập, gây mất an toàn cho người và phương tiện mỗi khi đưa tàu, thuyền đi tránh, trú bão.
Tại khu neo đậu, tránh trú bão Cửa Sót (Lộc Hà, Hà Tĩnh), những năm gần đây, do cửa sông bị bồi lắng nên người dân phải đợi con nước lớn mới có thể vào khu neo đậu. Những lúc bão về, gặp con nước kiệt, tàu thuyền không thể vào âu tránh trú, đành phải neo đậu chơi vơi ngoài cửa sông. Nước cạn, tàu công suất lớn không vượt qua được cửa ra vào, nằm mắc cạn, chắn giữa cửa ra vào khu neo đậu khiến các tàu, thuyền vào sau cũng mắc cạn ngay trên đường đi trú bão.
Khu neo đậu Cửa Hội - Xuân Phổ hiện nay luồng lạch đã bị bồi lắng, tàu có công suất hơn 300CV rất khó ra vào. Với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, dự án Âu tránh trú bão Cửa khẩu Kỳ Hà - Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hứa hẹn sẽ là điểm đến an toàn cho 200 tàu thuyền trong mùa mưa bão. Thế nhưng, sau hơn hai năm thi công, âu thuyền này vẫn nằm bất động trước sự lo lắng của người dân.