Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội (ĐB) Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề cập đến việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 18/10 vừa qua đã ký ban hành Quyết định số 1380 phê duyệt đề án liên thông các thủ tục hành chính, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ mai táng phí, hưởng mai táng phí.
Theo ĐB, Đề án này có hiệu lực kể từ ngày ký, trong đó giao nhiệm vụ cho 4 bộ, ngành là Tư pháp; Công an; Lao động, thương binh và xã hội; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải hoàn thành quy trình triển khai đề án trong quý IV/2018.
“Thời gian chỉ còn lại 2 tháng thì có đảm bảo triển khai được đề án này tới các bộ, ngành, địa phương như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?”, ĐB đặt câu hỏi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – người đứng đầu cơ quan trình và được Thủ tướng giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc triển khai đề án.
ĐB Cao Thị Xuân. |
Cho rằng liên thông thủ tục hành chính tức là chuyển vất vả, khó khăn của thủ tục hành chính từ người dân sang các cơ quan quản lý nhà nước, ĐB Xuân cũng đề nghị Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong thời gian tới có liên thông thủ tục hành chính nào nữa hay không.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính phục vụ thực chất, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ luôn coi cải cách thủ tục hành chính là một thách thức coi là thách thức, là “boong ke” khó khăn nhất.
“Vì để đơn giản hóa được thủ tục hành chính không phải chỉ liên quan quan đến sửa đổi về thể chế và thay thế về quy phạm, quan trọng hơn cả đó là tạo ra một quyết tâm thay đổi về nhận thức, thay đổi về văn hóa, hành chính, ngay cả thay đổi hành vi ứng xử công chức khi thi hành công vụ”, Bộ trưởng Dũng lý giải.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, với nhận thức như vậy, trong kế hoạch cải cách hành chính của nhiệm kỳ này, liên thông thủ tục hành chính được thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ coi là một khâu đột phá; tập trung chỉ đạo quyết liệt tấn công vào sự cát cứ, sự phân lập các thủ tục riêng lẻ đang tạo ra những chuỗi gia tăng chi phí không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp rất mạnh mẽ thông qua thủ tục hành chính liên thông”, Bộ trưởng Dũng thông tin.
Về triển khai thực hiện, theo ông Dũng, bước đầu là lựa chọn những loại thủ tục hành chính có độ bao phủ lớn nhất liên quan đến mọi người dân cũng như có nhiều phản ánh bức xúc để triển khai, như thủ tục về hộ tịch, đăng ký cư trú, vấn đề giải quyết bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Việc thực hiện Đề án liên thông thủ tục hành chính và đăng ký thường trú cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được phê duyệt từ năm 2015 rất thành công. Vừa rồi Chính phủ tiếp tục phê duyệt đề án liên thông 4 thủ tục, đó là thủ tục khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết chế độ tử tuất, mai táng phí.
“Đề án này thực hiện sẽ giảm ít nhất được 1/3 thời gian thủ tục hành chính, đặc biệt là xử lý được những bất cập hiện nay. Ví dụ có những người đã mất nhiều năm rồi những vẫn có trong danh sách bầu cử trưởng, phó thôn, có trường hợp mất 4 năm rồi nhưng gia đình chưa nhận được tiền mai táng phí. Ở các địa phương đều bất cập vấn đề này cho nên có thể nói đề án này rất quan trọng”, ông Dũng khẳng định.
Về thời hạn trong quý IV năm nay phải hoàn thành việc hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện trong toàn quốc, Bộ trưởng Dũng khẳng định “tuy chỉ có mấy tháng nhưng tôi tin tưởng rằng đề án này đã chuẩn bị rất kỹ lộ trình, kế hoạch thực hiện và sẽ triển khai được trong quý IV”.
Bởi, Chính phủ, của Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của trong thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân. “Ngay trưa 30/10, mặc dù Thủ tướng đi họp nhưng văn phòng đã trình Thủ tướng ký ngay Chỉ thị 30 về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các bộ ngành địa phương. Chỉ thị số 30 được ký ban hành ngày 30/10/2018. Như vậy có thể nói là làm rất ngay”, ông Dũng thông tin.
Thứ hai, đề án đã được chuẩn bị rất kỹ và được đặt trong những bối cảnh khả quan của những thông tin, thành công của đề án đã làm, ngay cả vấn đề thủ tục khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế trước đó đã thành công. Quy trình thủ tục và các bước triển khai được chuẩn hóa, hướng dẫn rất chi tiết và có thể áp dụng được ngay và đã tham khảo các địa phương, địa phương rất đồng tình.
Thứ ba, việc triển khai việc đề án này gắn với trách nhiệm của từng cơ quan hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu, mang lại lợi ích rất rõ ràng nên không có lý do gì mà không thực hiện được.
“Với trách nhiệm của cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đề án này, tôi báo cáo và cam kết với Quốc hội về tiến độ và lộ trình triển khai đề án là thực hiện đúng theo phê duyệt của Thủ tướng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.
Ông Dũng cũng cho biết, tiếp theo đề án này, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng và Thủ tướng cũng đồng ý với tinh thần đẩy mạnh mở rộng liên thông thủ tục hành chính đến các lĩnh vực khác nhưliên thông đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội. Việc mở rộng triển khai thực hiện mô hình thí điểm liên thông trong cấp giấy phép xây dựng mà Thành phố Hồ Chí Minh đang làm rất hiệu quả thì cũng phải rộng toàn quốc…