Quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm bãi triều ở Móng Cái sau bài phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau bài phản ánh “Lo mất chốn mưu sinh vì hàng trăm héc – ta bãi triều ở thành phố Móng Cái bị lấn chiếm, phân lô’’ đăng trên Báo Pháp Luật Việt Nam, chính quyền thành phố Móng Cái đã có những chỉ đạo quyết liệt, tổ chức kiểm tra vùng biển Hòn Thỏ (xã Vĩnh Trung) và các khu vực có hoạt động nuôi trồng trái phép khác. Móng Cái cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giao mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ dân.
Khu vực biển Cống Cách, xã Vĩnh Trung trở nên thoáng đãng sau cưỡng chế nuôi trồng trái phép. Ảnh: Quang Hà
Khu vực biển Cống Cách, xã Vĩnh Trung trở nên thoáng đãng sau cưỡng chế nuôi trồng trái phép. Ảnh: Quang Hà

Chính quyền xã vận động ngư dân tháo dỡ lưới, khôi phục bãi triều

Thực tế hoạt động lấn chiếm bãi triều và nuôi trồng trái phép tại khu vực hòn Thỏ và một số khu vực khác thuộc địa bàn xã Vĩnh Trung đã xảy ra trong thời gian dài từ năm 2018 trở lại đây. Ngoài các hộ dân trên đảo ở hai xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, còn rất nhiều người dân tại các xã giáp ranh như Quảng Minh, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà... cũng lấn chiếm bãi triều và nuôi trồng trái phép tại khu vực biển trên.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo xã Vĩnh Trung cho biết: Việc quản lý bãi triều trên biển rất khó khăn vì phụ thuộc con nước và các phương tiện thuỷ, kinh phí đi lại để giám sát việc lấn chiếm bãi triều. Khu vực hòn Thỏ là khu vực giáp danh giữa 4 xã, Vĩnh Trung, Vạn Ninh, Hải Đông, Hải Tiến. Khu vực này chưa có toạ độ để xác minh địa giới cụ thể của từng xã gây khó khăn trong công tác quản lý. Tình trạng người dân cả trong xã và ngoài xã ồ ạt lấn chiếm bãi triều là do công tác quản lý nhà nước về bãi triều và vùng nước của xã còn chưa chặt chẽ và kịp thời.

Ngày 8/4, nhận chỉ đạo của thành phố, UBND xã đã cho kiểm tra, thông báo đến các hộ dân quây bãi, nuôi trồng trái phép tự tháo dỡ, khắc phục hiện trạng trước khi UBND xã và thành phố có biện pháp cưỡng chế. Trước mắt, UBND xã vận động các hộ dân làm lưới đăng, lưới xăm tự tháo dỡ trước, còn việc xử lý các lồng nuôi ngao trái phép của các hộ dân chờ thành phố có chỉ đạo cụ thể.

Phóng viên trong vai người có nhu cầu thuê bãi nuôi ngao hoa đi tìm hiểu thực tế tình trạng lấn chiếm bãi triều, nuôi trồng thuỷ sản trái phép. Ảnh: N.Q
Phóng viên trong vai người có nhu cầu thuê bãi nuôi ngao hoa đi tìm hiểu thực tế tình trạng lấn chiếm bãi triều, nuôi trồng thuỷ sản trái phép. Ảnh: N.Q

Để nắm bắt nguyện vọng của người dân, phóng viên đã liên lạc với một số hộ nuôi ngao hoa tại khu vực Cống Cách và khu vực hòn Thỏ, xã Vĩnh Trung.

Anh N.V.H đang có 6 ô nuôi ngao tại khu vực Cống Cách cho biết: "Gia đình tôi đã nhận được thông báo của chính quyền xã về việc tháo dỡ những ô nuôi trồng trái phép của UBND xã và thành phố, chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng chúng tôi rất mong chính quyền cho thu hoạch hết ngao nuôi thả xong rồi dọn bãi. Lồng nuôi của gia đình tôi cũng không ảnh hưởng nhiều đến giao thông thuỷ. Gia đình tôi cũng mong được chính quyền tạo điều kiện, cho thuê mặt nước nuôi trồng thuỷ sản hợp pháp, tránh những rủi ro không đáng có".

Ngao hoa, nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao đang được người dân thả nuôi ồ ạt. Ảnh: Quang Hà
Ngao hoa, nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao đang được người dân thả nuôi ồ ạt. Ảnh: Quang Hà

Anh P.V.T, nhà ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, người thuê nuôi hai ô mặt nước, diện tích hơn 1 ha tại khu vực hòn Thỏ chia sẻ: "Gia đình tôi thuê hơn 1ha mặt nước của “ông chủ’’ bãi H tại khu vực hòn Thỏ, đầu tư hai ô thả nuôi ngao hoa. Tôi biết là nuôi trồng trái phép, việc thuê bãi cũng chỉ là thoả thuận miệng nhưng vẫn "làm theo phong trào". Sau dịch COVID-19, gia đình không có sinh kế gì, con cái học hành tốn kém, trước đây tôi nuôi ngao hai cùi đã thua lỗ vài trăm triệu đồng. Tôi phải cắm sổ đỏ vay tiền đầu tư. Năm nay thả nuôi ngao hoa, hai ô gối nhau, tổng tiền đầu tư gần 600 triệu đồng vào đây. Một ô đến tháng 6 được thu hoạch, một ô đến khoảng tháng 8 được thu. Tôi đã biết chính quyền xã Vĩnh Trung và thành phố Móng Cái thông báo về việc cưỡng chế thu hồi bãi bị lấn chiếm trái phép. Mong chính quyền để cho chúng tôi thu hoạch xong, chúng tôi tự dọn bãi trả lại nguyên trạng. Nếu bị cưỡng chế, chúng tôi thiệt hại kinh tế, nguy cơ cả gia đình phá sản".

Sự vào cuộc quyết liệt của thành phố Móng Cái

Ngày 8/4, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Móng Cái. Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố cho biết, ngay sáng 8/4, thành phố đã thành lập tổ công tác kiểm tra khu vực hòn Thỏ và ghi nhận có hoạt động lấn chiếm mặt nước, bãi triều quây lưới săm đánh bắt thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản trái phép.

Theo vị lãnh đạo TP Móng Cái, vùng biển hòn Thỏ là địa bàn giáp ranh của 4 xã. Thành phố sẽ cho đo đạc xác định rõ toạ độ, vị trí, địa giới hành chính thuộc xã nào quản lý, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tiến hành rà soát, thống kê hộ nuôi, chủng loại nuôi. "Riêng với trường hợp đối tượng cắm bao bãi triều diện tích lớn, cho thuê mặt nước, thu lời bất chính như báo phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh để xử lý nghiêm, tránh tình trạng “bảo kê”, “thu tô” gây mất trật tự an ninh", vị này nói.

Liên quan tới nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản, phát triển kinh tế của người dân, lãnh đạo TP Móng Cái thông tin: Thực hiện theo chỉ đạo chung của tỉnh về phát triển kinh tế biển, TP Móng Cái đang tiến hành xây dựng phương án giao biển cho các tổ chức, hộ dân để phát triển kinh tế. Thành phố giao cho phòng Kinh tế chủ trì, kết hợp với đơn vị tư vấn để tiến hành khảo sát, xây dựng các phương án giao biển cho các tổ chức, hộ dân có nhu cầu. Thành phố quy hoạch khoảng 4.200 ha đất mặt nước để nuôi trồng thủy sản (trong vùng từ 3 đến dưới 6 hải lý). Với khu vực nước biển ngoài vùng 6 hải lý (có độ sâu từ 25-35m) sẽ dành thu hút các nhà đầu tư vào nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Phần còn lại là các bãi triều, mặt biển gắn với sinh kế của người dân, sẽ dành cho phát triển kinh tế, khai thác ven bờ.

Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế TP Móng Cái, cho biết: Song song với việc lập phương án, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường triển khai rà soát, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản để thực hiện giao khu vực biển theo quy định.

UBND thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cho các đối tượng thuộc thẩm quyền của thành phố theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 44 Luật Thuỷ sản số 18/2017/QH14 (được giao không quá 1 ha và trong 3 hải lý). Dự kiến thực hiện giao trong quý II năm 2024.

Ngày 10/4/2024, UBND thành phố Móng Cái đã thành lập đoàn kiểm tra làm việc tại các xã Vĩnh Trung, Hải Tiến Hải Đông về việc: Xử lý tình trạng lấn chiếm bãi triều, mặt nước biển nuôi trồng thuỷ sản trái phép.

Thành phần đoàn làm việc gồm có: Ông Hồ Quang Huy, chủ tịch UBND thành phố, ông Đỗ Văn Tuấn, phó chủ tịch thường trực UBND thành phố, lãnh đạo các đơn vị Kinh tế, Tài nguyên- Môi trường, Tư pháp, Công an thành phố, Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường, Đồn biên phòng cảng Vạn Gia, Bộ đội đảo Vĩnh Thực, Đồn biên phòng Bắc Sơn. Các xã được giao bố trí lực lượng, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ để thực hiện giải toả các điểm lấn chiếm bãi triều, mặt nước biển trái phép.

Link bài gốc Lấy link
null