3 bảo đảm trong đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những kết quả công tác của Bộ, ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật thời gian qua; góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước và tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tổng Bí thư nhận định nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh kết quả tích cực, tại Thông báo kết luận của Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế: Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, có quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân…
Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp |
Việc nghiên cứu, ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy được các động lực tăng trưởng mới; Dấu hiệu bị tác động, "lợi ích nhóm" trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển.
Với trọng tâm pháp luật là đột phá chiến lược, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho Nhân dân, một trong những vấn đề Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đó là đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Cùng với 2 yêu cầu trong xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm Tổng Bí thư cũng chỉ rõ đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm: Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao "năng suất và chất lượng" xây dựng pháp luật. Bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; Bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật.
Tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nói chung, pháp luật nói riêng là một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Trong năm, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; thông qua 28 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã.
Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL được chú trọng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ; nhiều ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL đánh giá cao, là ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản…, góp phần nâng cao chất lượng dự án, dự thảo, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật.
Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật.
Công tác hợp nhất VBQPPL được các bộ, ngành thực hiện khá kịp thời; công tác pháp điển quy phạm pháp luật đạt kết quả tích cực, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng hơn trong tiếp cận, áp dụng các quy định của pháp luật. Điểm nhấn là Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành hoàn thành và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Phối hợp xây dựng các luật phục vụ kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bám sát chủ trương, định hướng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quốc hội; các chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ, ngành Tư pháp xác định sẽ kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình xây dựng đề án, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2025. Trong đó, tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án do Bộ Tư pháp chủ trì; phối hợp xây dựng các luật phục vụ kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Nâng cao chất lượng thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL; thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL
Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng, bảo đảm cải cách triệt để TTHC, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp; theo dõi sát kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật; tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc trong hệ thống VBQPPL”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn, khai thác sử dụng Bộ Pháp điển để đáp ứng việc tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng pháp luật.