Ra mắt Trung tâm trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên: Thêm một chốn bình yên cho phụ nữ, trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển vừa ra mắt Trung tâm trợ giúp xã hội thuộc Ngôi nhà Bình yên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ toàn diện và miễn phí cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực. Đồng thời cùng với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm phát hành cuốn sách “Đi về phía bình yên” về hành trình bước khỏi bóng tối khổ đau của 12 phụ nữ trong số 1.665 mảnh đời đã đến đây suốt 17 năm qua.
Ra mắt Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên. (Nguồn ảnh: Hanoimoi.vn)
Ra mắt Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên. (Nguồn ảnh: Hanoimoi.vn)

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực giới

Tại Việt Nam, tình hình phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người đang có chiều hướng gia tăng. Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước khu vực ASEAN do Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 5/12, ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ, Việt Nam vẫn còn tồn tại bạo lực trên cơ sở giới trong phạm vi ở cả trong gia đình và bên ngoài cộng đồng.

Trong đó, phổ biến ngoài cộng đồng các hình thức bạo lực: quấy rối tình dục nơi công cộng, trường học, nơi làm việc và không gian mạng; mua bán người và mại dâm cưỡng bức; bạo lực trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, thảm họa. Còn trong gia đình, theo ông Lương, các hình thức bạo lực phổ biến là bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế, nguyên nhân xuất phát từ sự phân biệt giới tính, định kiến giới; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; đặc biệt là hình thức lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới với các hành vi như cưỡng ép có thai hoặc phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi. Về mức độ phổ biến của bạo lực, ông Lương thông tin, có 63% các dạng bạo lực về thể chất và tình dục, khoảng 15% bạo lực về tinh thần và kinh tế.

Ngôi nhà Bình yên là mô hình được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam vận hành từ năm 2007, khi chưa có Luật về Phòng, chống mua bán người và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, với mục đích cung cấp gói hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người. Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ toàn diện các nạn nhân 3 - 6 tháng (hoặc gia hạn tùy trường hợp) giúp họ ổn định đời sống, tinh thần, giải quyết những khó khăn và xử lý các mối đe dọa đến sự an toàn. Sau khi hồi gia, Ngôi nhà Bình yên tiếp tục hỗ trợ về vấn đề pháp lý, hướng nghiệp, tìm việc làm… giúp họ có sinh kế bền vững. Sau 17 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 1.665 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới và ngày càng chứng minh tính thiết thực, hiệu quả của mô hình nhà tạm lánh cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới.

Trong khuôn khổ chương trình “Đi về phía Bình yên - Chung tay hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UNWOMEN) và Cơ quan Phòng, chống ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2023, Trung tâm trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên đã chính thức ra mắt, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ toàn diện và miễn phí cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên cho biết: “Mục đích của Ngôi nhà Bình yên là hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trong giai đoạn mới, mô hình Ngôi nhà Bình yên cần có sự thay đổi về mặt cấu trúc và chức năng, nhiệm vụ. Việc chuyển mình từ một cơ sở tạm lánh thành một trung tâm trợ giúp xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi, và cơ sở pháp lý giúp Ngôi nhà Bình yên tăng cường kết nối, phối hợp trong việc chuyển tuyến, kết nối với các Bộ, ngành chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ như công an, y tế, tư pháp, luật sư, tâm lý, trợ giúp xã hội, đào tạo nghề và các tổ chức và chuyên gia liên quan khác”, theo bà Dương Thị Ngọc Linh.

Mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng

Cùng với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã phát hành cuốn sách “Đi về phía bình yên” về hành trình bước khỏi bóng tối khổ đau của 12 phụ nữ, trong số 1.665 mảnh đời đã đến đây suốt 17 năm qua. Họ được chọn để viết, không phải vì trường hợp của họ đặc biệt, bởi thực tế 1.665 câu chuyện đều đặc biệt theo cách khác nhau. Chính họ chọn nói ra câu chuyện đời mình với mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng cho những người phụ nữ khác.

Bà Nguyễn Khánh Linh - Phó Phòng Công tác xã hội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, hy vọng cuốn sách “Đi về phía bình yên” sẽ là thông điệp khích lệ những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới sẽ lên tiếng để nhận được sự hỗ trợ: “Thông qua cuốn sách, chúng tôi mong rằng cộng đồng xã hội sẽ nâng cao nhận thức về các vấn đề bạo lực giới, xâm hại tình dục và mua bán người. Các cơ quan chức năng có thể xây dựng các chính sách đồng bộ để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân thuộc nhóm đối tượng nêu trên”.

Chị Phạm Ngọc Lan, một trong 12 nhân vật trong cuốn sách cho hay, trước đây từng rất ngại và cảm thấy xấu hổ khi nói về câu chuyện của bản thân. Chị đã âm thầm chịu đựng bạo lực gia đình suốt 18 năm, nghĩ rằng số phận đã an bài, cho đến khi chị biết đến Ngôi nhà Bình yên. Tại đây, chị hiểu được thế nào là “vòng tròn bạo lực”, rằng bạo lực gia đình không phải lỗi của nạn nhân. Nếu nạn nhân không lên tiếng thì vòng tròn đó sẽ mãi luẩn quẩn khiến họ không bao giờ thoát ra được. Ngôi nhà Bình yên đã thay đổi số phận của chị Lan, vấn đề bạo lực gia đình đã được giải quyết dứt điểm cách đây 7 năm.

Theo ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, sau gần 10 năm, với sự nỗ lực trong công tác phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới thì hầu hết các hình thức bạo lực trên cơ sở giới đều có chiều hướng giảm, ngoại trừ bạo lực về tình dục. Trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành sẽ ưu tiên giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường phối hợp liên ngành, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả, xây dựng cơ sở dữ liệu về bạo lực trên cơ sở giới.

Đọc thêm