Cần giáo dục trẻ em về quy tắc ứng xử nơi công cộng

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Chuyện trẻ em quậy phá nơi công cộng đang là đề tài được nhắc nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, trong câu chuyện này, lỗi không phải ở các em mà là ở sự giáo dục của các bậc cha mẹ.

Một quán cà phê phải ngưng nhận trẻ em dưới 12 tuổi sau khi các em nhỏ nghịch phá quá mức gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quán. (Ảnh: cắt từ clip)
Một quán cà phê phải ngưng nhận trẻ em dưới 12 tuổi sau khi các em nhỏ nghịch phá quá mức gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quán. (Ảnh: cắt từ clip)

Mới đây, một quán cà phê tại TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc không tiếp khách đi kèm trẻ em dưới 12 tuổi. Trong thông báo của mình, quán cà phê này cho biết, thời gian vừa qua quán có đầu tư trang trí phong cách Noel ở quán để khách đến thưởng thức, chụp hình. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp trẻ theo người lớn vào quán chạy nhảy, phá phách, vứt đồ đạc lung tung, làm hỏng vật dụng và ảnh hưởng đến không gian chung của quán.

Tình trạng này khiến quán phải đi đến quyết định ngưng nhận trẻ em vào quán, mặc dù biết sẽ mất đi một lượng khách không nhỏ nhưng vì muốn bảo đảm không gian quán được gọn gàng, không mất trật tự nên đành chấp nhận.

Thông báo này đã nhận được đồng tình của đa phần dư luận. Một số khách của quán này cũng để lại bình luận chia sẻ là quán đẹp nhưng trước đây chỉ đến một lần rồi không trở lại vì quá ồn ào, nhốn nháo do tình trạng trẻ chạy nhảy, la hét và phụ huynh nhốn nháo chạy theo giữ con, dắt nhau chụp hình “check in”.

Cách đây ít lâu, một quán cà phê tại Đà Nẵng cũng đã đưa ra thông báo không tiếp nhận trẻ em dưới 12 tuổi vì sau một thời gian hoạt động thấy trẻ nhỏ hiếu động, không phù hợp với không gian chung của quán. Thời gian qua cũng đã có một số sự cố ồn ào xảy ra quanh việc trẻ em phá phách nơi công cộng, như trẻ theo cha mẹ đi mua sắm làm hư hỏng đồ trưng bày, trẻ phá hoại, làm hư hỏng đồ điện tử của khách khác trong quán cà phê... Những sự việc này đều dẫn đến tranh cãi quanh việc bồi thường của hai bên.

Một homestay tại phường 3, TP Đà Lạt vừa qua cũng đã ra thông báo chỉ nhận trẻ em từ 10 tuổi trở lên. Chị Phan Ánh Kim, chủ homestay cho biết: “Trong quá trình chúng tôi kinh doanh đã có trường hợp trẻ đến bẻ cành cây ăn trái hoặc ngã khi leo trèo lên cây, lấy đá ném vào chó, mèo, vứt rác xuống hồ cá, giẫm chân dơ lên drap giường... Mỗi lần như vậy xử lý rất mệt mỏi, tốn kém và hầu hết là phụ huynh chối trách nhiệm không chịu trả tiền cho những hư hại con mình gây ra nên chúng tôi phải quyết định hạn chế khách là trẻ con, dẫu biết làm như thế cũng hạn chế luôn lượng khách đến lưu trú”.

Cũng theo chị Ánh Kim, nếu trách trẻ “không ngoan” cũng không đúng, vì hầu hết nguyên nhân sự việc từ phụ huynh mà ra: “Trong quá trình hoạt động kinh doanh lẫn nhiều trường hợp bắt gặp nơi công cộng, tôi thấy rằng trẻ quậy phá nơi công cộng đều là do sự dung dưỡng của cha mẹ. Có những trường hợp, cha mẹ đem con đến địa điểm công cộng xong là chúi mặt vào điện thoại hoặc làm việc riêng, bỏ mặc con muốn làm gì thì làm. Khi được yêu cầu, nhắc nhở thì phản ứng, cho là “trẻ con không biết gì”.

Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ còn hướng dẫn con nghịch phá cái này, cái khác để mình được rảnh tay. Chính cách hành xử như thế của cha mẹ khiến cho con trẻ “được nước làm tới”, hành xử không có giới hạn, thành nỗi ngán ngẩm chốn đông người”.

Nhiều bậc cha mẹ vẫn thường đổ lỗi là trẻ con vốn bản tính hiếu động, khó ngồi yên một chỗ, khó có thể nghe lời hay biết cách ứng xử, thế nên chuyện trẻ phá phách, muốn làm gì thì làm nơi công cộng là chuyện không tránh khỏi.

Thực tế, quan sát sẽ thấy, không phải đứa trẻ nào cũng hiếu động, nghịch ngợm, không nghe lời. Có không ít trẻ rất biết cách ứng xử nơi công cộng, không chạy nhảy, la hét, ồn ào, không tự tiện động chạm đồ người khác, biết nghe theo sự sắp xếp của người lớn. Điều này cũng là nhờ sự giáo dục của cha mẹ đã rèn giũa, uốn nắn trẻ từ nhỏ, giúp trẻ hiểu được những điều nên làm và không nên làm, những giới hạn trong hành vi trẻ, biết tuân theo những hiệu lệnh của cha mẹ...

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, bên cạnh việc giáo dục, chỉ bảo con, muốn con mình trở thành đứa trẻ có ý thức thì trước hết cha mẹ cần là những người có ý thức. Cha mẹ đến nơi công cộng xả rác bừa bãi, đi lại nhốn nháo, cười nói to tiếng, ồn ào, hút thuốc trong phòng kín, tự tiện lấy đồ đạc lung tung... thì làm sao trẻ có thể hành xử chuẩn mực nơi công cộng được.

Chuyên gia Lê Thị Minh Nga cho rằng, giáo dục để con biết các quy tắc ứng xử nơi công cộng, không nghịch phá quá quắt là cực kì cần thiết. Điều này không phải chỉ để tránh cho con trẻ gây nên những khó chịu hay thiệt hại cho những người chung quanh, mà còn giúp bảo đảm an toàn cho trẻ. Đã có nhiều trường hợp trẻ gặp nguy hiểm, tai nạn khi nghịch phá như té ngã, bị vật nhọn đâm, bị giật điện, đuối nước, chó cắn... Cạnh đó, việc rèn luyện cho trẻ biết giới hạn hành động, có kỉ luật là một phần trong việc giáo dục hành vi, đạo đức làm người của trẻ, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tính cách của con sau này.

Đọc thêm