Đây là điểm nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy được quy định tại Điều 28, Luật Trẻ em: “Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Như vậy, trẻ em nghiện ma túy có quyền tham gia các chương trình cai nghiện (có thể tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tại các cơ sở). Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trình tự thủ tục lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi và thông qua quyết định của TAND cấp huyện. Để bảo đảm quyền của người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cai nghiện, khi chuyển hồ sơ để tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em tại địa phương.
Ngoài ra, trước đây, việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được giao cho chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thì Luật mới đã quy định người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã.
Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Như vậy, Luật đã chú trọng chính sách xã hội hóa công tác cai nghiện, giúp cho người cai nghiện ma túy được tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Đồng thời, Luật quy định việc xác định tình trạng, quy trình cai nghiện rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện. Công tác quản lý sau cai chỉ thực hiện tại cộng đồng, trong đó chú trọng hỗ trợ công tác vay vốn, giải quyết việc làm, dạy nghề, tạo điều kiện cho người sau khi cai nghiện được hưởng quyền lợi của người yếu thế.
Luật cũng quy định các cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí các khu riêng biệt để bảo đảm các quyền và trách nhiệm riêng biệt đối với các nhóm đối tượng khác nhau như: Khu lưu trú tạm thời, khu cai nghiện bắt buộc, khu cai nghiện tự nguyện, khu cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi…
Ông Túy cho biết, hiện nay, các cơ sở cai nghiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt các cơ sở khu vực phía Nam có tình trạng quá tải nên rất cần đầu tư nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của hai luật mới là Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hiện nước ta có khoảng 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 39.000 người nghiện ma túy đang trong các cơ sở do ngành công an quản lý, khoảng 52.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị thay thế bằng thuốc methadone và khoảng 38.000 người nghiện trong các cơ sở cai nghiện, còn lại là hơn 100.000 người nghiện ma túy đang sinh sống ngoài cộng đồng.
Theo báo cáo của các địa phương, kinh phí địa phương cấp cho công tác sửa chữa, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện ma túy giai đoạn 2016-2020 là 428 tỷ đồng. Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình và cơ sở cai nghiện.
Khi Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực, trong thời hạn hai năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành, cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Điều này để bảo đảm UBND các tỉnh thành có thời gian để chuẩn bị huy động nguồn lực, làm các thủ tục nâng cấp, sửa chữa cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng quy định mới của Luật.
Hiện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đang phối hợp với Sở LĐTB&XH các tỉnh thành phố rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở cai nghiện ma túy, dự báo tình hình tăng giảm số người nghiện ma túy, nhu cầu cai nghiện ma túy để thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách, đặc biệt là đào tạo, tập huấn cho đội ngũ viên chức, người lao động trong các cơ sở cai nghiện ma túy và người làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhằm triển khai có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy theo quy định tại Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).