Rà soát kỹ các hành vi để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp

(PLVN) - Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại buổi làm việc với các đơn vị về việc chỉnh lý Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã diễn ra sáng 27/2.

Phân định rõ thẩm quyền xử phạt

Liên quan tới thẩm quyền lập biên bản VPHC, Cục trưởng Cục QLXLVPHC & TDTHPL Đặng Thanh Sơn đề xuất bỏ khoản 2, Điều 82 dự thảo Nghị định: “Những người được quy định tại Khoản 1 Điều này có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan tại các Nghị định xử phạt VPHC khác”. 

Đồng thời đề xuất bỏ Điều 89 của dự thảo Nghị định: “Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định này, những người có thẩm quyền xử phạt VPHC của các cơ quan khác theo quy định của Luật Xử lý VPHC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện các hành vi VPHC quy định trong Nghị định này thuộc các lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình thì cũng có quyền lập biên bản và xử phạt”.

Lý giải về đề xuất trên, ông Sơn cho rằng dự thảo Nghị định đã rà soát, phân định thẩm quyền xử phạt từng hành vi theo các chức danh để đảm bảo minh bạch hóa. Do đó, nếu giữ các quy định trên sẽ làm vô hiệu hóa một số quy định khác của Nghị định, làm giảm giá trị, tính minh bạch của công việc.

Về chức năng thanh tra chuyên ngành, đơn vị chủ trì soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Cục QPLXLVPHC & TDTHPL về việc bỏ đi một số hành vi đã được quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Do đó, Thanh tra Bộ Tư pháp, Thanh tra các Sở Tư pháp, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tư pháp chỉ có thẩm quyền lập biên bản VPHC chứ không được xử phạt đối với các hành vi cản trở, gây rối trật tự trong lĩnh vực tư pháp, hành chính tư pháp. 

Biện pháp xử lý phù hợp với từng hành vi

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa còn tỏ ra khá e ngại về các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được quy định tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị định. Trong đó có biện pháp thu hồi lại văn bản công chứng không đúng quy định, buộc thu hồi, hủy bỏ bản dịch không đúng quy định, buộc yêu cầu công chứng viên đã công chứng hợp đồng giao dịch phải yêu cầu tòa án tuyên bố công chứng vô hiệu hoặc buộc hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản… Bà Hoa cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn về quy định này vì thời điểm thanh tra, kiểm tra không phải thời điểm đang diễn ra giao dịch đó mà thường là sau khi giao dịch đã hoàn thành hoặc gần hoàn thành. 

Mặt khác, việc buộc hủy bỏ văn bản công chứng không đúng với quy định của Luật Công chứng vì theo luật này, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ, trong các hợp đồng thì không phải chứng minh, trừ trường hợp tòa án tuyên bố vô hiệu. Nếu các giao dịch đã hoàn tất trên thực tế thì chỉ có cơ quan duy nhất có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu hoặc hủy bỏ văn bản công chứng đó là Tòa án. Do đó, đề nghị nghiên cứu chuyển thành biện pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp giao dịch đã hoàn thành để tuyên bố vô hiệu đồng thời có thông báo gửi đến các cá nhân, tổ chức có liên quan là văn bản công chứng đó đang có vi phạm…

Bà Hoa cũng lưu ý, đối với hoạt động bán đấu giá tài sản, thừa phát lại…, cần có rà soát để đưa ra hình thức xử phạt khắc phục hậu quả phù hợp. Biện pháp tước một số loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề chỉ áp dụng với hành vi vi phạm rất nghiêm trọng đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục trả lại giấy phép sau khi tước. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực cũng băn khoăn bởi theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP, Thanh tra viên, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đều có thẩm quyền xử phạt VPHC đối với tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực THADS. Đến nay, dự thảo Nghị định thay thế vẫn giữ nguyên quy định này. 

Tuy nhiên, Luật THADS hiện nay còn chưa có quy định cụ thể về thanh tra chuyên ngành đối với THADS. Theo quy định hiện nay, Thanh tra Bộ chỉ có chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và một số lĩnh vực quản lý hành chính trong THADS chứ không có chức năng thanh tra việc tổ chức THADS, việc này thuộc về cơ quan Kiểm sát. Do đó, đề nghị nghiên cứu cân nhắc kỹ quy định này để đảm bảo có căn cứ và khả thi. 

Còn Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng lưu ý dự thảo Nghị định cần quy định rõ các hành vi, thẩm quyền xử phạt và mức xử phạt; các hành vi đã được quy định tại văn bản luật khác thì không quy định lại, nếu cần thì viện dẫn. Các hình thức xử phạt phải phù hợp thực tiễn và đủ sức răn đe, khoảng cách các mức phạt phải hợp lý.


Sau khi nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu cần đặt dự thảo Nghị định trong mối quan hệ với các văn bản Luật và Nghị định khác có liên quan để cùng sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý một cách song song, đảm bảo đúng định hướng. Có như vậy, những lĩnh vực thuộc quản lý và tầm kiểm soát của Bộ, ngành Tư pháp mới đảm bảo được sự minh bạch.

Bộ trưởng đề nghị cần nghiên cứu kỹ tính khả thi, hợp lý của một số hành vi đặt trong hệ quả đặc thù thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành. Bộ trưởng nêu lên ví dụ như vi bằng, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ, giờ phát hiện ra hành vi vi phạm sẽ kéo theo nhiều hệ quả về sau nhưng nếu không xử lý kịp thời sẽ không đảm bảo tính răn đe. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng từng hành vi để đưa ra biện pháp xử lý vừa mang tính răn đe, vừa đảm bảo khả thi và phù hợp thực tiễn hiện nay.

Đọc thêm