Rà soát, lập danh sách các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản

(PLVN) -Đây là một trong những chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái đối với các Cục THADS địa phương nhằm chấn chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, thu chi thi hành án dân sự.

Công tác đấu giá tài sản dần đi vào nề nếp

Thời gian qua, công tác đấu giá tài sản thi hành án đã dần đi vào nề nếp, quản lý nhà nước đối với hoạt động này ngày càng có chất lượng, hiệu quả. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, các cơ quan chức năng đã đấu giá thành 2.761 việc THADS, tương ứng với hơn 9.010 tỷ đồng.

Quá trình tổ chức đấu giá cho thấy, có những vụ việc phải đưa tài sản ra bán đến lần thứ 17, kéo dài gần 3 năm vẫn chưa có người mua. Nhiều trường hợp tài sản kê biên phải định giá lại hoặc giảm giá nhiều lần vẫn không bán được. Để bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, không ít trường hợp, các bên liên quan phải định giá tài sản thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, nhưng khi hết thời hạn vẫn không có người đăng ký tham gia. Thậm chí có trường hợp đến lúc bán đấu giá thành thì người phải thi hành án không hợp tác để bàn giao tài sản.

Thực tế cho thấy, việc bán đấu giá tài sản trong THADS là quá trình phức tạp bởi không ít trường hợp có thể gặp vướng mắc ngay từ quá trình định giá tài sản do bên được thi hành án và bên phải thi hành không thỏa thuận được về giá trị tài sản, tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá… Do các bên không thống nhất được, nên chấp hành viên phải quyết định lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá theo quy định. Nhưng khi chấp hành viên tổ chức thẩm định đấu giá, tổ chức đấu giá thì cũng chưa hẳn đã nhận được sự hợp tác, phối hợp của các bên.

Mặt khác, công tác bán đấu giá tài sản thi hành án vẫn còn một số tồn tại do nhiều trường hợp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về đấu giá tài sản thi hành án; thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên chưa quan tâm đúng mức, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác đấu giá, quản lý tiền, tài sản thu được khi xử lý tài sản thi hành án. Để tiếp tục chấn chỉnh các thiếu sót, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các sai phạm trong công tác này, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS đã có văn bản yêu cầu Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện một số nội dung.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm

Theo đó, Lãnh đạo các Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, lập danh sách toàn bộ các vụ việc bán đấu giá thành nhưng đến nay chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá hoặc đã giao tài sản nhưng chưa xử lý xong khoản tiền bán tài sản, chưa thanh toán tiền cho người được thi hành án; nêu rõ nguyên nhân chưa giao được tài sản, chưa thanh toán tiền thi hành án theo quy định.

Tập trung chỉ đạo các Chi cục THADS, Chấp hành viên trên địa bàn rà soát, phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá đối với những vụ việc đã đấu giá thành. Yêu cầu các đơn vị, Chấp hành viên, đội ngũ Kế toán, Thủ quỹ thực hiện nghiêm việc quản lý tiền, tài sản thi hành án, nhất là việc gửi số tiền bán đấu giá tài sản nhưng chưa xử lý được tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng theo quy định, tránh để xảy ra vi phạm, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng. Mỗi công chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về vấn đề này. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến việc bán đấu giá tài sản thi hành án, quản lý tiền, tài sản thi hành án thì có thể báo cáo Thủ trưởng trực tiếp và Thủ trưởng cấp trên để xử lý theo quy định.

Cục trưởng Cục THADS cấp tỉnh tăng cường công tác kiểm tra đối với công tác bán đấu giá tài sản của cơ quan Cục và các Chi cục THADS trên địa bàn. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì phải kiên quyết xử lý, chú trọng khắc phục hậu quả (nếu có), tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra sai sót, vi phạm. Cục trưởng Cục THADS địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng cục trưởng về quản lý, chỉ đạo, không được để xảy ra các sai sót, vi phạm trong hoạt động này tại đơn vị, địa bàn.

Chi cục trưởng Chi cục THADS cấp huyện tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo Chấp hành viên thực hiện nghiêm các quy định về bán đấu giá, quản lý tiền, tài sản thi hành án, việc gửi số tiền bán đấu giá tài sản nhưng chưa xử lý được tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng theo quy định tại đơn vị mình.

Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cũng yêu cầu các Cục THADS tập trung chỉ đạo việc thi hành án trên địa bàn; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về đấu giá tài sản thi hành án; thực hiện có hiệu quả Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 8/2/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản để thi hành án.

Cùng với đó, thường xuyên chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản, sớm giải quyết dứt điểm việc thi hành án; đảm bảo lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức; hạn chế sai phạm, rủi ro đối với cơ quan THADS và Chấp hành viên. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để sửa đổi quy định về bán đấu giá tài sản THADS, phù hợp với đặc thù của loại hình bán đấu giá này.

Đọc thêm