“Rác” âm nhạc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhạc Việt gần đây có những tác phẩm được phổ biến nhưng không có chất lượng nghệ thuật, nội dung ca từ nhảm nhí, tiêu đề nhạy cảm... gây bức xúc dư luận.
 Một bài hát có tiêu đề gây tranh cãi.
Một bài hát có tiêu đề gây tranh cãi.

MV “Chim quý trong lồng” vừa ra mắt hôm 12/7 vừa qua với sự hợp tác giữa Văn Mai Hương và K-ICM đã ngay lập tức bị xếp vào hàng ngũ những tên bài hát dễ dãi, gây hiểu lầm cho người nghe. Thời gian qua, đã có không ít tên bài hát đặt theo kiểu “gây sốc”, phản cảm…

Một sáng tác mới của rapper LK còn có ca từ mang xu hướng gợi dục. Bài “Em yêu kem chuối” cũng là một ví dụ về việc sử dụng ngôn từ và âm thanh phản cảm trên nền nhạc rap. MV “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” của Đen Vâu sử dụng tiêu đề có phần dung tục, gây ra phản ứng trái chiều…

Nhiều ý kiến cho rằng những ca khúc “rác” như vậy đang xâm lấn cuộc sống giới trẻ với tốc độ chóng mặt “như một dịch bệnh” qua các thiết bị điện tử như máy tính, di động, ipad… Ví như, sau gần 2 ngày ra mắt, MV “Anh đếch cần gì ngoài em” hút hơn 2,3 triệu lượt xem và lọt top 1 MV thịnh hành trên Youtube, mặc cho nhiều người yêu nhạc chân chính kinh hãi thốt lên: “Bài hát phản cảm”…

Ở những tụ điểm vui chơi dành cho giới trẻ, các đoạn nhạc gợi dục cũng được phát công khai. Thậm chí, không ít nhóm thanh, thiếu niên xem thể loại nhạc này như một món ăn tinh thần, công cụ cho những cuộc vui.

Đáng nói là không chỉ có môi trường mạng tiếp tay cho sự lan truyền những ca khúc này, ngay cả những trang nhạc trực tuyến nổi tiếng cũng cho đăng tải, trong khi lẽ ra đây phải là môi trường âm nhạc đã lọc “sạn” trước khi quảng bá tới giới trẻ.

Nhiều người yêu nhạc lo ngại các sản phẩm này không những gây ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của thanh, thiếu niên khi đề cao lối sống ích kỷ, bất cần, thích hưởng thụ, ngại cống hiến… mà còn có nguy cơ kéo thấp thị hiếu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ, đưa đến sự hình thành xu hướng nghe nhạc dễ dãi; làm thui chột khả năng lao động sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc…

Do đó, đã đến lúc việc loại bỏ “rác” âm nhạc cần được thực hiện riết róng để môi trường âm nhạc trực tuyến thật sự được thanh lọc, trở thành bệ đỡ cho những sáng tác âm nhạc đích thực. Các cơ quan quản lý cũng cần có những cuộc thi sáng tác khuyến khích sáng tạo các tác phẩm chất lượng, hấp dẫn.

Hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý văn hóa cần phối hợp với các đơn vị quản lý an ninh mạng ráo riết thanh, kiểm tra các bài hát có lời ca độc hại, các trang web, diễn đàn, mạng xã hội phát tán “rác nhạc” và có chế tài xử lý nghiêm minh.