Gây bạo lực gia đình phải tham gia công việc phục vụ cộng đồng
Một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi là quy định đối với hành vi “cưỡng ép thành viên gia đình học tập” hay “cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi...”, người vi phạm có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Đây là biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình mới được bổ sung tại luật này.
Cụ thể, Điều 33 nêu rõ, công việc phục vụ cộng đồng gồm: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.
Chủ tịch UBND cấp xã quyết định và tổ chức cho người thực hiện một trong các hành vi bạo lực gia đình sau thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Danh mục công việc phục vụ cộng đồng sẽ do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Về vấn đề áp dụng công việc phục vụ cộng đồng như một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, trong phiên họp cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng quá trình xây dựng dự án luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao.
“Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết” – bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, “lao động phục vụ cộng đồng” được quy định là biện pháp giáo dục, cải tạo người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án (Điều 101 Luật Thi hành án hình sự) và “lao động trị liệu” là một giai đoạn trong quy trình cai nghiện ma tuý (Điều 29 Luật Phòng, chống ma tuý). “Lao động phục vụ cộng đồng”, “lao động trị liệu” không bị coi là “lao động cưỡng bức”.
Đồng thời, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế cho thấy thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.
Xây dựng Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc
Theo Bộ VH,TT&DL, công tác gia đình năm 2022 đã đạt được những dấu ấn quan trọng như Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều văn bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình Phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025...
Nổi bật nhất là Bộ VH,TT&DL đã hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đúng tiến độ, Quốc hội đã thông qua ngày 14/11/2022 với 465 đại biểu tán thành, chiếm 93,37%. Đây là một trong những dự án Luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và dư luận.
Các nhà quản lý, chuyên gia và đông đảo đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình đều bày tỏ niềm vui ngay sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và cho rằng khi luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 chắc chắn sẽ tạo những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn và giảm những vụ việc bạo lực gia đình. Luật mới đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và giải pháp từ các báo cáo điều tra, tiếp thu các trao đổi góp ý từ các bộ, ngành, các tỉnh, thành và đông đảo mọi tầng lớp xã hội.
Trong Báo cáo Công tác Gia đình năm 2022, Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 như: xây dựng và trình ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tổ chức các hội nghị công bố, triển khai Luật; tiếp tục thực hiện Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2023; điều tra thực trạng gia đình Việt Nam để xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới, xây dựng Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc để triển khai thí điểm tại địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình...
“Trong mối quan hệ “nước và nhà”, nước được ví như cái nhà to, nhà được ví như xã hội thu nhỏ, vì vậy nhà - gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh thì nước - quốc gia sẽ giàu mạnh. Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình Việt Nam tiếp cận tài chính, kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống đa dạng, phong phú”, theo bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL.
Cưỡng ép con học tập quá mức, bố mẹ có thể phải lao động công ích
Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác… sẽ đối diện với án phạt theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Cụ thể, Luật nêu rõ 16 hành vi bạo lực gia đình. Đáng chú ý là hành vi “cưỡng ép thành viên gia đình học tập”, hành vi mới được bổ sung so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi còn nghiêm cấm các hành vi khác như: cưỡng ép chứng kiến bạo lực với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; ngăn cản thành viên gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội lành mạnh, hợp pháp hoặc hành vi khác để cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; cưỡng ép trình diễn khiêu dâm, nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật…