Ranh giới mong manh trong nghệ thuật khoả thân

(PLO) - Câu chuyện “hoạ sĩ cưỡng hiếp người mẫu khoả thân” đang là đề tài được dư luận bàn tán thời gian qua. Nếu để qua một bên câu hỏi “có hay không hành vi hiếp dâm” thì vẫn còn nhiều vấn đề rất đáng mổ xẻ quanh sự việc chấn động giới nhiếp ảnh này.  
Ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Dương Quốc Định
Ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Dương Quốc Định

Xung quanh sự việc có khá nhiều luồng ý kiến. Nhưng, cho dù dư luận có nhiều luồng thì với các nghệ sĩ, đặc biệt giới nhiếp ảnh, hội hoạ vẫn có chung những đánh giá, đó là cả hai bên đều có những “lỗi nghề nghiệp” để dẫn đến sự việc trên.

Theo một nghệ sĩ nhiếp ảnh có kinh nghiệm chụp ảnh khoả thân thì có thể, người ngoài có cái nhìn chưa đúng đắn về nghề này, nhưng trong nghề với nhau vẫn tồn tại những quy tắc chung để tránh xảy ra những hậu quả không hay. Nghệ sĩ này cũng chia sẻ thẳng thắn, thực ra giữa đàn ông và phụ nữ, cho dù là đang làm nghệ thuật  thì việc phụ nữ hoàn toàn khoả thân trước mắt một người đàn ông, trong khi chỉ có hai người với nhau khó có thể tránh “chuyện nọ, chuyện kia”.

“Thế nên, để giữ mọi chuyện luôn tuân thủ tinh thần nghệ thuật, không đi quá giới hạn, những người nghệ sĩ thực thụ luôn phải đặt ra những nguyên tắc căn bản, tránh đưa mình vào tình thế khó. Ví dụ, nơi tác nghiệp nên hạn chế ở khách sạn, những không gian dễ dẫn đến việc “làm sai”. “Còn những người tay ngang nhưng luôn nhận mình là “nghệ sĩ” lấy vỏ bọc để dụ dỗ phụ nữ thì không nên kể vào đây”, nghệ sĩ nhiếp ảnh khẳng định.

Thực chất, trong giới hội họa, nhiếp ảnh Việt Nam hay thế giới vẫn có những quy tắc khá nghiêm ngặt trong chụp ảnh khoả thân, như phải giữ khoảng cách thế nào với người mẫu, không được đụng chạm, điều chỉnh trực tiếp trên cơ thể người mẫu mà phải có sự đề nghị bằng lời nói... Chuyện mà giới trong nghề nhiều người biết, là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng D.Q.Đ thường đi chụp ảnh khoả thân với sự hỗ trợ của... vợ mình.

Vợ anh chính là người giúp anh dựng phối cảnh, góc máy hay điều chỉnh người mẫu tạo dáng... T.P., một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng trong giới ảnh khoả thân cũng thường chọn nền chụp là cảnh vật thiên nhiên để bức ảnh đặc sắc hơn và tránh những tình huống không hay. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khác chọn studio làm nơi tạo ra những bức ảnh khoả thân đẹp.

Về sự việc cụ thể của hoạ sĩ N.L và người mẫu khoả thân nói trên thì lĩnh vực họ thực hiện là body painting, một trào lưu nghệ thuật vẽ trên cơ thể người du nhập từ nước ngoài, khá nổi tại Việt Nam thời gian gần đây. Tuy nhiên, body painting cũng có những quy tắc của mình như người mẫu nữ luôn phải mặc quần lót khi hoạ sĩ vẽ... 

Thế nên, sự cố xảy ra giữa hoạ sĩ và người mẫu nói trên là một ca khá “nhiều vấn đề” đáng nói. Bởi chính nghệ sĩ và người mẫu đã bỏ qua những quy tắc nghề nghiệp, tự đẩy mình vào “thế khó” gây ra những hậu quả không hay. Trên thực tế, trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người mẫu khoả thân đã có không ít phát sinh rắc rối, bước qua ranh giới của nghệ thuật, từ những lần phạm “lỗi nghề nghiệp” như thế.