Rào cản tiến độ giải phóng mặt bằng dự án truyền tải điện

(PLVN) - Vấn đề khó khăn nhất đối với các dự án truyền tải điện chính là bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khi các thủ tục chuyển đổi đất rừng vẫn chưa hoàn thành, chưa thể bàn giao mặt bằng thi công thì một số nơi trên tuyến ở miền Trung, một lực cản tiến độ không nhỏ của dự án lại xuất hiện, đó là các nhà nuôi chim yến. 
Dự án 220kV Nha Trang - Tháp Chàm đang gặp vướng mắc về chuyển đổi rừng và nhà yến trên tuyến
Dự án 220kV Nha Trang - Tháp Chàm đang gặp vướng mắc về chuyển đổi rừng và nhà yến trên tuyến

Vướng rừng tự nhiên, đặc dụng… 

Dự án xây dựng đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm có chiều dài khoảng 88,06km, đi qua TP Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và các huyện Thuận Bắc, Bắc Ái (tỉnh Ninh Thuận).

Ông Phạm Xuân Việt, Phó phòng Đền bù (Ban Quản ký dự án công trình điện miền Trung - CPMB) cho biết, hiện Khánh Hòa đã bàn giao được 88/120 vị trí móng, tỉnh Ninh Thuận bàn giao được 22/56 vị trí. 

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Bùi Văn Kiên cho biết, dù đã được UBND tỉnh Khánh Hòa, các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, nơi có dự án đi qua, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ cũng như tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ các vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay tình hình bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành của các dự án.

Ông Việt cho biết cụ thể: Toàn tuyến 220kV Nha Trang - Tháp Chàm có 55 vị trí qua rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng và Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. UBND tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi đất rừng. Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo Chính phủ theo nội dung yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo Chính phủ tại Tờ trình số 7121/TTr-UBND ngày 19/7/2019 về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác thực hiện đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm.

Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có các văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo và tham mưu các thủ tục trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt trước ngày 15/5/2020 để gửi các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết theo quy định. 

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể nào về chuyển đổi mục đích rừng được ban hành, trong khi dự án phải hoàn thành đóng điện vào cuối năm nay. Theo đại diện CPMB, phải mất 6 tháng sau khi hoàn thành chủ trương chuyển đổi đất rừng, dự án mới thi công xong.

Ngoài ra, đại diện CPMB cũng cho biết, đơn vị này đã trình EVNNPT thẩm định phê duyệt hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật đoạn tuyến vượt rừng của dự án, đồng thời cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện Bắc Ái, Thuận Bắc (Ninh Thuận) về việc đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại các vị trí móng trụ phải điều chỉnh thiết kế nâng cột tránh ảnh hưởng đến cây rừng thuộc khu vực hành lang tuyến đường. EVNNPT cũng đã trình duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật các đoạn tuyến vượt rừng theo ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp.

Kéo dây sợ chim yến… không về làm tổ

Trong số các vị trí móng cột thuộc đất của dân ở Khánh Hòa chưa bàn giao cho chủ đầu tư, có một vị trí đang gây bối rối cho các đơn vị thực hiện (vị trí 45) do vướng nhà... yến. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh Nguyễn Hữu Hùng cho biết, huyện chưa bao giờ gặp phải tình huống này, chưa biết xử lý giải quyết ra sao do việc đầu tư vào nhà yến khá lớn và do không thể đo đếm được số lượng cụ thể vật nuôi ở công trình. 

“Nếu không giải quyết được vấn đề nhà yến, đường dây mạch 3 Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 cũng sẽ gặp khó khăn lớn do đường dây này chạy qua khá nhiều nhà yến”, ông Hùng dự báo. Được biết, CPMB đã tính đến phương án nâng cột cao hơn 16m để tránh nhà yến nhưng chủ đất của vị trí cột 45 vẫn chưa đồng ý do lo sợ đường dây điện có gây ảnh hưởng đến viêc yến về nhà làm tổ hay không. 

Ông Nguyễn Lưu Truyền, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, trong các quy định bồi thường của tỉnh cũng chưa có phần nào đề cập đến việc bồi thường liên quan đến nhà yến. Tuy nhiên, trong Văn bản số 939 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định, trường hợp này cũng sẽ được bồi thường theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, đồng thời hướng dẫn UBND huyện Diên Khánh liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hỗ trợ di dời theo lĩnh vực ngành. 

Hiện các ban ngành, chính quyền địa phương vẫn đang tìm cách vận động chủ đất - đồng thời là một đại biểu hội đồng nhân dân huyện. Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết thêm, trong trường hợp đã vận dụng hết các phương án có thể mà vị trí cột số 45 chưa bàn giao đất, huyện sẽ tiến hành các bước theo đúng quy trình để kiểm đếm bắt buộc và tiến hành cưỡng chế.

Đọc thêm