Rau chợ và rau VietGAP

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một câu hỏi được đặt ra: Rau chợ cũng rất an toàn và rau chợ lại có phần bắt mắt hơn, xanh tươi hơn, dễ mua hơn, rẻ hơn thì lợi thế thuộc về loại rau nào?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, số liệu công bố chính thức cho thấy từ đầu năm tới nay, Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật hơn 2.500 mẫu (phần nhiều là rau) thì chỉ có 40 mẫu vi phạm, chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu vi sinh. Điều đó cho thấy các loại rau xanh bán trên thị trường đa phần đều ổn về chất lượng, dù bán ngoài chợ hay trong siêu thị.

Liên quan chất lượng rau xanh, lâu nay chúng ta cũng ồn ào về câu chuyện rau đạt tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices), là hệ thống tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam. Nó bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Với rau VietGAP, nông dân trồng theo quy trình đất không nhiễm độc, nước tưới không ô nhiễm, giống cây nguồn gốc rõ ràng, phân bón trong danh mục được phép, không dùng thuốc hóa học bị cấm và ưu tiên dùng thảo mộc hoặc sinh học. Quá trình thu hoạch, sơ chế, vận chuyển tuân thủ quy trình nghiêm ngặt như loại bỏ lá héo, dị dạng; từ khi đóng gói tới người tiêu dùng thường trong 2 tiếng, bảo quản ở 20 độ C, lưu kho không quá 2 ngày. Mỗi túi rau được dán tem, ghi địa chỉ sản xuất, mã QR Code truy xuất nguồn gốc.

Nói nôm na, rau VietGAP thì an toàn hơn, “xịn” hơn, bảo vệ môi trường hơn.

Hiện cả nước có 45 tổ chức được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực. Trong 9 tháng đầu năm 2022, hơn 8.300 cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương, diện tích 480.000ha.

Rau VietGAP thường chỉ bày bán trong hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng. Nhưng thời gian qua một số đơn vị cung cấp rau đã mua hàng không nguồn gốc ngoài chợ rồi dán nhãn VietGAP để đưa vào siêu thị.

Thực tế, thường chỉ những người đi chợ, đi siêu thị mới hiểu rõ: Rau chợ thường được người bán kỳ công chăm chút, với những kỹ năng riêng từ lấy hàng, vận chuyển, bảo quản… nên thường xanh tươi mơn mởn bắt mắt. Còn ở siêu thị, một bó rau có thể bị hàng chục người nhấc lên đặt xuống săm soi; đóng kín trong các túi nilon đè lên nhau hấp hơi; nếu không được nhân viên phụ trách chăm chút thường xuyên, thì nhanh héo úa tả tơi… Tới một số siêu thị vào cuối giờ bán hàng buổi tối, thường có chương trình đại hạ giá rau, thậm chí có những bó rau “cho cũng không ai lấy”.

Tới đây, một câu hỏi được đặt ra: Rau chợ cũng rất an toàn và rau chợ lại có phần bắt mắt hơn, xanh tươi hơn, dễ mua hơn, rẻ hơn thì lợi thế thuộc về loại rau nào? Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho hay, hiện nhiều loại rau an toàn nhưng lại phải mang ra chợ, bán giá chợ. Siêu thị nhập rau rất ít, một số siêu thị đòi chiết khấu cao, có nơi lên tới 30% khiến người sản xuất rau không có lãi. Vì thế, rau “xịn” phải mang ra ngoài chợ hoặc bán cho thương lái và đa số bỏ tem mác, bỏ đóng gói theo 300 - 500g như ở siêu thị để tiết giảm chi phí, công sức.

Rau VietGAP dành cho một phân khúc khách hàng riêng, nên chuyện rau “xịn” có lúc phải chấp nhận bán giá chợ, là câu chuyện quy luật thị trường, của cung - cầu gặp nhau, của tính toán kinh doanh buôn bán “lời ăn, thua chịu”. Chỉ có điều phải minh bạch rõ ràng đâu là rau thường, đâu là rau VietGAP, như vậy mới không bất công cho những nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và cho người tiêu dùng.

Đọc thêm