Rét đậm rét hại, dùng các thiết bị sưởi ấm thế nào để an toàn cho sức khỏe?

Trong phòng nếu dùng các thiết bị sưởi thì không nên đóng cửa phòng quá kín liên tục. Không để nhiệt độ quá cao, chênh lệch lớn với bên ngoài. Tuân thủ các nguyên tắc khi sử dụng để tránh các rủi ro đáng tiếc…

Thời gian gần đây, nhiều đợt rét đậm rét hại kéo dài khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị sưởi ấm, nhất là cho trẻ nhỏ tăng cao. Theo đó, các thiết bị được ưa chuộng hiện nay là quạt sưởi, đèn sưởi, chăn điện, túi sưởi…

Tuy nhiên, trên thực tế, do không biết sử dụng đúng cách hoặc lạm dụng các thiết bị trên, không ít trường hợp đã gặp phải những tai nạn không mong muốn. Như trường hợp bé N.T.T (2 tuổi, ở Hà Nội) được đưa vào Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng phần da bị bỏng, sưng tấy, trợt loét do túi sưởi bất ngờ phát nổ khi vừa cắm điện vừa sử dụng.

Rét đậm rét hại, dùng các thiết bị sưởi ấm như thế nào để an toàn cho sức khỏe? - Ảnh 2.

Sử dụng các thiết bị sưởi ấm không đúng cách có thể gây hại cho người dùng. Ảnh: N.Mai

Hay như trường hợp bé V.D.M (Hưng Yên) bị bỏng phần cánh tay khi vô tình ngã vào quạt sưởi đang bật để gần đầu giường. Rất may, vết bỏng không quá nghiêm trọng nhưng cũng khiến bé hoảng sợ và đau đớn.

Đây chỉ là 2 trong số khá nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng do dùng các thiết bị sưởi ấm trong mùa lạnh. Hàng năm, vào mùa lạnh, Viện Bỏng Quốc gia thường tiếp nhận nhiều ca bị bỏng do sử dụng dụng cụ sưởi ấm không đúng cách. Trong đó, nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi được đưa vào viện do bố mẹ để các thiết bị sưởi ấm (quạt sưởi, máy sưởi…) quá gần trẻ dẫn đến việc trẻ chạm vào bị bỏng.

Theo BS Nguyễn Thống, nguyên Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), các thiết bị sưởi ấm bằng điện hay bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể khiến người dùng gặp họa nếu không biết cách sử dụng hoặc bất cẩn trong lúc dùng.

Chẳng hạn, các loại quạt, đèn sưởi thường tỏa nhiệt khá lớn. Nếu để quá gần trẻ nhỏ sẽ gây tình trạng nhiệt tác động trực tiếp lên da trẻ, gây khô da, khô mũi trẻ và nguy cơ gây bỏng cũng tiềm ẩn vì trẻ nhỏ chưa ý thức được mối nguy hại nếu lỡ chạm tay vào bề mặt các thiết bị này.

Cùng với đó, chăn, túi sưởi lại là những thiết bị được dùng trực tiếp khi đi ngủ để giữ ấm cho cơ thể. Do đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, khi sử dụng chăn điện, túi sưởi phải kiểm tra thật kỹ xem có bị rách, rò rỉ, đặc biệt có bị hư hỏng phần dây điện hay không và phải tuân thủ nguyên tắc khi sử dụng các thiết bị này. 

Bởi trên thực tế, không ít trường hợp vừa cắm điện vừa dùng dẫn đến nguy cơ phát nổ (túi sưởi) hoặc có trường hợp dùng cả thân đè lên túi sưởi gây bục, vỡ túi sưởi khiến người dùng bị bỏng.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, để sử dụng các thiết bị sưởi ấm một cách an toàn, đem lại hiệu quả cao nhất, người dùng nên chọn mua của các nhãn hàng uy tín, có chất lượng. Tránh mua phải hàng kém chất lượng, dễ gây chập, cháy, hỏng hóc trong quá trình sử dụng.

Khi dùng, phải tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đối với từng thiết bị. Không nên lạm dụng dùng quá nhiều và phải nhớ kiểm tra thiết bị kỹ trước và trong khi sử dụng để tránh những rủi ro không đáng có.

Khi sử dụng, không nên để nhiệt độ của các thiết bị này quá cao, chênh lệch lớn với nhiệt độ không khí bên ngoài. Việc này vừa gây hại cho da vừa có nguy cơ khiến người dùng bị sốc nhiệt khi từ trong phòng có các thiết bị sưởi bước ra ngoài.

Trong phòng nếu dùng các thiết bị sưởi thì không nên đóng cửa phòng quá kín liên tục. Bởi theo TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn thiết bị điện (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm trong phòng kín thường sinh ra một lượng nhiệt lớn khiến người dùng sẽ có cảm giác bí, khó thở nhất là với người già và trẻ nhỏ.

Vì vậy, vị chuyên gia này lưu ý, khi sử dụng các thiết bị sưởi trong phòng ngủ cần thỉnh thoảng mở cửa sổ để không khí lưu thông, điều hòa lượng oxy cân đối. Đối với phòng tắm sử dụng đèn sưởi cũng hạn chế bật quá lâu. Có thể đặt chậu nước hoặc máy phun sương tạo độ ẩm để giúp không khí trong phòng bớt khô khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm này.