Cách thành phố Halifax 300km về phía Đông Nam, thuộc tỉnh Nova Scotia, Canada, nằm giữa đại dương mênh mông, đảo Sable là một dải cát hẹp kéo dài trông dạng như hình vầng trăng khuyết. Với chiều dài từ đông sang tây là 40km, chiều rộng từ nam tới bắc là 1,6km và tổng diện tích khoảng 80km2.
Hòn đảo nguy hiểm bậc nhất thế giới
Sự kỳ lạ của hòn đảo này ở chỗ nó có thể thay đổi vị trí với tốc độ khá nhanh như thể có chân và biết chạy vậy. Mỗi khi gió biển nổi lên, đảo Sable giống như một con thuyền được giương buồm, bắt đầu chuyến “du lịch”.
Gần 200 năm nay, đảo Sable đã di chuyển trên quãng đường dài 20km, bình quân mỗi năm “đi” được 100m. Chính vì cái thói “ngao du” mà đảo Sable được coi là hòn đảo nguy hiểm bậc nhất thế giới.
Do được hình thành từ bãi cát ngầm giữa vùng nước nông của thềm lục địa và biển cả, đảo Sable có vị trí khá biệt lập. Thêm vào đó, dòng hải lưu lạnh Labrador khi chảy từ Bắc Băng Dương về đây sẽ kết hợp với dòng biển nóng tạo nên các khối sương mù dày đặc, thậm chí cả những cơn cuồng phong đáng sợ.
Trung bình hàng ngày có ít nhất một giờ đồng hồ hòn đảo chìm trong sương mù và kéo dài tới 125 ngày trong năm. Ngoài điều kiện thời tiết khủng khiếp, đảo Sable cũng nằm ngay trên con đường của nhiều cơn bão lớn, đi dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Vì thế, tàu thuyền khi di chuyển qua vùng đảo này sẽ bị mất phương hướng, đâm vào các chướng ngại vật và chìm xuống đáy đại dương.
Kể từ năm 1583, cái tên hơn 350 con tàu đắm đã được gắn với đảo Sable, đó là lý do tại sao người ta đặt cho hòn đảo này cái tên “nghĩa địa Đại Tây Dương”. Mặc dù biết rằng đảo Sabel là vùng biển nguy hiểm, nhưng một trong những lý khiến nhiều tàu thuyền vẫn bất chấp đi qua khu vực này mỗi năm, đó là hòn đảo này nằm trên tuyến đường biển thương mại giữa Bắc Mỹ và châu Âu.
|
Một góc hòn đảo Sable |
Lịch sử ghi nhận vụ đắm tàu đầu tiên xảy ra tại đây vào năm 1583. Đây là một trong những chiếc tàu được sử dụng trong cuộc thám hiểm vùng đất Canada của chính trị gia Vương quốc Anh - Humphrey Gilbert. Khi cố vượt qua vùng đảo nguy hiểm này, chiếc tàu HMS Delight của thuyền trưởng Richard Clarke đã chìm sau khi bị mắc cạn trên một bãi cát của đảo Sable.
Tàu HMS Delight cứ thế bị nhấn chìm xuống độ sâu 10m. Phần lớn các thành viên trên tàu bị chết đuối dưới đáy biển và chỉ 16 người sống sót. Họ leo lên một chiếc thuyền nhỏ và lênh đênh trên biển trong suốt bảy ngày với hy vọng cứu thêm được ai đó. Năm ngày sau, họ được một con tàu săn cá voi tìm thấy và giải cứu.
Mười lăm năm sau đó, chiếc thuyền Marquis de La Roche trở thành nạn nhân tiếp theo của hòn đảo này. Chỉ có 12 thuyền viên sống sót và lưu lạc trên đảo, cho đến năm 1603 họ mới được giải cứu. Vào năm 1947, khi thuyền trưởng Manhasset cùng phi hành đoàn của mình vận hành chiếc tàu hơi nước qua vùng biển Đại Tây Dương, họ cũng gặp nạn. May mắn thay, nhờ có nhân viên cứu hộ tại trạm khí tượng, toàn bộ phi hành đoàn đều được cứu sống và an toàn quay trở về.
Theo ghi nhận lịch sử, vụ đắm tàu mới đây nhất xảy ra vào ngày 27/7/1999. Con tàu có tên Merrimac, dài 12m, do thuyền trưởng Jean Rheault chỉ huy, đến từ thành phố Montreal, Quebec. Con tàu gặp nạn lúc 2h sáng, khi bắt đầu đi vào địa phận của đảo Sable. May mắn những thành viên trên tàu đều sống sót và được giải cứu.
|
Xác tàu thuyền đắm trên đảo Sable |
Sau đó, thuyền trưởng Jean Rheault đã thuê những ngư dân thạo biển lần tìm lại xác con tàu. Sau sáu tuần tìm kiếm, phần còn lại của con tàu chỉ là những mảnh vỡ do bị cát và sóng đánh tan nát. Một phần của con tàu hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng hải Đại Tây Dương nằm ở Halifax.
Hòn đảo của ngựa hoang
Vào thập niên 1590, một hầu tước có tên La Roche-Helgomarche, đại diện cho chính quyền Tân Pháp Quốc (New France) trong quá trình xâm lược Bắc Mỹ, đã tới chiếm đảo Sable của người Canada. Ông tập hợp những người từng phạm tội, lang thang và ăn xin từ một cảng Pháp và nói với họ rằng họ sẽ đi đến một hòn đảo, làm việc cho Tân Pháp Quốc và sống cuộc sống khác.
Thời điểm đó, khoảng 50 - 60 người định cư cùng với 10 binh sĩ sống trên đảo Sable. Ban đầu, những người này được chính quyền Tân Pháp Quốc cung cấp lương thực, thực phẩm mỗi năm, song sau đó vào năm 1602, viện trợ bị cắt và họ phải tự chăm sóc bản thân.
Trong suốt một năm này, những đối tượng bắt đầu tàn sát nhau để cướp bóc đồ ăn. Năm 1603, khi một con tàu đến đảo, họ phát hiện ra rằng chỉ có 11 người định cư vẫn còn sống. Những người sống sót trở về Pháp. Từ đó hòn đảo này một lần nữa không có người ở.
Không có người, nhưng hòn đảo nổi tiếng với ít nhất 400 con ngựa hoang dã. Những chú ngựa hiện sống trên hòn đảo này là ngựa của những hậu duệ của thực dân Pháp định cư ở Acadia trong thế kỷ 17 và 18, trong chuyến tàu đi ngang qua hòn đảo và bị đánh chìm trước đây.
Đến thế kỷ 18, người Canada nắm lại chủ quyền hòn đảo, tiếp tục có nhiều người tìm đến đây định cư. Mọi người đến đây với niềm tin rằng có thể thuần hóa loài ngựa hoang để chúng phục vụ công việc đồng áng. Tuy nhiên, khi đến đây sinh sống người ta mới biết được, hầu như cây xanh không thể trồng được, chỉ có những thảm thực vật thấp phát triển.
Năm 1901 chính phủ Canada cho trồng 80.000 cây xanh để ổn định đất và giữ cát nhưng tất cả đều chết, thế nhưng chính phủ vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục cho trồng cây trên đảo và kết quả cũng không mấy khả quan hơn khi chỉ có một cây thông Scotland duy nhất còn sống sót, mặc dù được trồng từ năm 1960 nhưng nó chỉ cao vài mét.
|
Loài ngựa hoang ở đảo Sable |
Bên cạnh đó, hòn đảo còn là ngôi nhà sinh sản của loài sư tử biển xám, là vùng đất rộng lớn của các loài chim trong đó có loài chim nhạn biển Bắc Cực và chim sẻ Ipswich độc đáo. Tất cả những động vật này sinh sống tự do trên đảo mà không có bất kỳ sự can thiệt nào của con người.
Hiện chính phủ Canada đã công nhận đảo Sable như một Công viên Quốc gia và bảo tồn quần thể sinh vật ở đây để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học trong tương lai.
Vào năm 1871, một trạm khí tượng thủy văn đã được xây dựng trên Sable và quản lý bởi chính phủ Canada nhằm cung cấp thông tin về thời tiết cho các tàu thuyền. Ngay này, vùng đất này không có ai sinh sống trừ một nữ khoa học nghiên cứu về hệ sinh thái Zoe Lucas, 67 tuổi. Bà sống ở đây một mình suốt 40 năm qua. Khi biết câu chuyện về Zoe, các du khách thường gọi vui bà là Robinson Crusoe phiên bản nữ.
Tuy nhiên, bà Zoe chưa bao giờ cảm thấy cô đơn ở “nghĩa địa Đại Tây Dương” này. Zoe sống trong ngôi nhà gỗ, nằm nép mình bên cồn cát. Nơi đây được xây dựng vào năm 2013, khi đảo trở thành một phần của Khu dự trữ quốc gia.
Hàng ngày, Zoe dành phần lớn thời gian để quan sát động vật hoang dã trên bờ cát qua ống nhòm, nghiên cứu mức độ ô nhiễm của đại dương và ghi chép tỉ mỉ mọi nghiên cứu vào một cuốn sổ tay. Công việc của Zoe được trả lương thông qua các tổ chức phi chính phủ.