Muốn minh bạch phải công khai
Các hệ thống công khai, minh bạch tài sản thu nhập được coi là công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến PCTN, có khả năng hỗ trợ cả khâu ngăn ngừa và cưỡng chế. Vai trò này đã được công nhận trong Công ước của Liên Hợp quốc về PCTN và nhiều Hiệp định PCTN quốc tế.
Kinh nghiệm thế giới đã rút ra ít nhất 4 yếu tố giúp việc kê khai, minh bạch tài sản và thu nhập thành công. Thứ nhất, cần khoanh vùng những quan chức bắt buộc phải kê khai, tập trung vào các ngành và nhóm dễ tham nhũng nhất để tiện quản lý. Thứ hai, phải thẩm tra kỹ lưỡng các bản kê khai. Thứ ba, khi đã thẩm tra xong, tính hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chế tài đối với các quan chức không kê khai, kê khai không trung thực và trừng phạt nếu tài sản không tương ứng với thu nhập. Cuối cùng, việc người dân được tiếp cận với tài liệu kê khai tài sản cũng giúp giảm đáng kể nạn tham nhũng.
Muốn minh bạch tài sản, thu nhập thì thông tin này phải được công khai. Việc công khai thông tin cho phép hệ thống các cơ quan chức năng tranh thủ được sự tham gia của tổ chức xã hội dân sự trong sự giám sát tờ khai, tăng cường cưỡng chế, từ đó nâng cao uy tín của cơ chế. Cũng nhờ công khai thông tin mà hạn chế được những kẽ hở để công chức lợi dụng lạm dụng công quyền.
Tuy nhiên, việc công chúng tiếp cận thông tin kê khai cũng đang gây tranh cãi. Về vấn đề này hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng. Làm thế nào để cân bằng giữa việc tiếp cận thông tin của công chúng và đảm bảo quyền riêng tư cá nhân của người kê khai, và làm thế nào để giải quyết những tồn tại ở một số nơi về những vấn đề bảo mật, vẫn là một thách thức đối với hầu hết các cơ chế.
Không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, tài sản sẽ bị thu hồi
Trong thực tiễn pháp luật của các quốc gia, rất nhiều nước áp dụng kê khai ở thời điểm đầu và cuối nhiệm kỳ. Có nghĩa là công chức phải kê khai khi mới nhậm chức và khi rời vị trí, thường là trong một khoảng thời gian ấn định (như 30 ngày) sau những thời điểm trên. Bên cạnh đó còn có kê khai đột xuất khi có phát sinh thay đổi đáng kể trong giá trị thu nhập, tài sản. Cộng hòa Pháp và Croatia là nước áp dụng phương thức này.
Ngoài hai phương thức trên còn có kê khai định kỳ - thường là mỗi năm một lần. Đây là một phương thức tương đối phổ biến và đã được áp dụng ở các nước như Achentina, Xlôvenia và Mỹ. Ở Mỹ, hàng năm có khoảng 25.000 tờ khai công bố và 250.000 tờ khai được giữ bí mật (trong đó quy định mọi tờ khai phải được kiểm tra và mọi đối tượng phải được hướng dẫn về những xung đột lợi ích có thể nảy sinh trong vòng 60 ngày kể từ ngày nộp) và có một lực lượng nhân sự và công nghệ hùng hậu để xử lý yêu cầu này cũng như một lượng lớn thông tin được kê khai.
Khi nảy sinh vụ án tham nhũng trong thực tế, ngoài việc áp dụng cơ chế hình sự và tố tụng hình sự để thu hồi tài sản tham nhũng, một số quốc gia như Mỹ và châu Âu còn áp dụng cơ chế thu hồi tài sản trong dân sự nhằm truy thu toàn bộ tài sản do phạm tội tham nhũng mà có. Cơ chế này áp dụng một cách linh hoạt, chỉ cần chủ thể có dấu hiệu chiếm hữu, sử dụng một số lượng tài sản không tương xứng với khả năng thu nhập mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì sẽ thu hồi tài sản mà không cần chứng minh về hành vi phạm tội trước đó (do bản thân hay do người khác thực hiện).