Rối loạn giấc ngủ: Đừng để “nghiện” thuốc an thần

(PLO) - Khi bị mất ngủ triền miên, người bệnh dễ dàng tự ý sử dụng thuốc an thần để khắc phục. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây “nghiện” thuốc an thần và bệnh ngày càng trầm trọng hơn, và có thể gây những biến chứng nguy hiểm.
BS.CK1 Hồ Hữu Thật: "Việc tự ý dùng thuốc an thần để “dỗ” giấc ngủ, có thể giảm triệu chứng trong nhất thời nhưng có thể bị lệ thuộc vào thuốc". Ảnh: Võ Anh Tuấn
BS.CK1 Hồ Hữu Thật: "Việc tự ý dùng thuốc an thần để “dỗ” giấc ngủ, có thể giảm triệu chứng trong nhất thời nhưng có thể bị lệ thuộc vào thuốc". Ảnh: Võ Anh Tuấn

Theo BS.CK1 Hồ Hữu Thật, giảng viên bộ môn Nội Thần Kinh trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch kiêm trưởng khoa Nội Thần Kinh bệnh viện An Bình, “rối loạn giấc ngủ” có thể được hiểu là giấc ngủ bị giảm về thời lượng và/hoặc giảm về chất lượng.

Về thời lượng, giấc ngủ bị giảm xa dưới mức trung bình (7 – 8 giờ mỗi ngày); về chất lượng, giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không sâu… Hậu quả là cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung chú ý...  Rối loạn giấc ngủ có thể có nguyên căn như do bệnh lý đa khoa: dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản... và cũng có thể vô căn như stress, lo âu, trầm cảm…

Trình bày tại chương trình Tư vấn sức khỏe và tầm soát do Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 02/06/2018 với chủ đề “Rối loạn giấc ngủ và cách phòng ngừa”, BS.CK1 Hồ Hữu Thật đưa ra lời khuyên là khi bị mất ngủ kéo dài, người bệnh nên đi khám ở các cơ sở y tế để được điều trị đúng phác đồ. 

Bs. Thật giải thích, việc tự ý dùng thuốc an thần để “dỗ” giấc ngủ, có thể giảm triệu chứng trong nhất thời nhưng có thể bị lệ thuộc vào thuốc do người dùng không đủ kiến thức chuyên môn để kiểm soát dược tính của thuốc. 

Nguy hiểm hơn, theo BS. Thật, thuốc có tác dụng chính càng hiệu quả thì thường kèm theo nhiều tác dụng phụ. Việc tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ có thể gây ra các biến chứng về tim, gan, thận, thần kinh…