Rồi nhà mình sẽ lại có Tết vui…

Mẹ ơi, mẹ biết không, mới hôm qua thôi, khi con gái con, cháu gái của mẹ làm bài văn tả Tết, cháu đã hỏi: “Mẹ ơi, tại sao lại vui như Tết?”. Câu hỏi của trẻ thơ làm con giật mình. Ừ nhỉ, hình như cũng đã lâu lắm rồi con không có những cái Tết vui, nhà mình không còn “vui như Tết”…

Mẹ ơi, mẹ biết không, mới hôm qua thôi, khi con gái con, cháu gái của mẹ làm bài văn tả Tết, cháu đã hỏi: “Mẹ ơi, tại sao lại vui như Tết?”. Câu hỏi của trẻ thơ làm con giật mình. Ừ nhỉ, hình như cũng đã lâu lắm rồi con không có những cái Tết vui, nhà mình không còn “vui như Tết”…

"Mẹ ơi, mẹ có nhớ những cái Tết đã đi qua nhà mình? Từ trước đó hàng tháng, thậm chí nửa năm mẹ đã bắt đầu dành dụm cho Tết. Trong cái thùng tôn to góc nhà vốn để đựng gạo, mà mấy khi có gạo đầy thùng, thỉnh thoảng mẹ lại mở ra ngắm đếm những món “tài sản” Tết của mình với niềm vui của một người phụ nữ tảo tần, dành dụm.

…Này là mớ miến để làm nem cô bán rau trước hiên đã tặng mẹ như một món quà cảm ơn nhà mình đã cho cô ấy ngồi nhờ quanh năm suốt tháng mà không một lời ra vào, róng đuổi. Con còn nhớ, có lần mẹ bế đứa con cô ấy chở theo trong sọt su hào, úp mặt vào ngực áo đứa bé để thơm nhưng cũng là giấu đi giọt nước mắt cảm thương phận con trẻ sớm dãi dầu sương gió vì thói đời tệ bạc của một người đàn ông.

…Này là xâu nấm hương, mộc nhĩ chú Vi hàng xóm đem về từ tận rẻo cao. Chú ấy và bố mỗi lần ngồi với nhau  là câu chuyện lại quay về những năm tháng đạn bom. Khi ấy, con người sống với nhau sao thật thấm đẫm tình người dù chỉ là bát nước vối, tấm chăn ấm. Giờ đây, cứ thử gõ cửa một ngôi nhà ven đường xin tá túc một đêm xem, chắc là khó lắm.

…Này là lọ dấm gạo mẹ đã xếp hàng chồn chân mỏi gối ở mậu dịch mới mua được. Con nhớ sáng đó, cô Bích vợ chú sửa xe đạp ngoài ngõ hớt hải gọi mẹ: “Chị ơi mậu dịch mới về dấm ngon, nhà chị có bìa cán bộ, chắc là mua được đấy”. Cầm nửa chai dấm mẹ rót cho, cô ấy hít hà “Thơm quá chị ơi, đúng là dấm gạo xưa u em vẫn làm”. Còn mẹ, để chai dấm vào cái thùng của mình… dành Tết. Lúc đó, con trêu mẹ: “Mẹ định Tết uống dấm hay sao mà phải dành”, mà giờ đây nhớ lại, nước mắt bỗng tràn mi…

Mẹ ơi, mẹ có nhớ, khu tập thể xếp nhà mình sáng 28 Tết rửa lá, đãi đỗ (vì cả khu có một bể nước và sân chung, mà nhà ai cũng gói bánh nên phải luân phiên). Hôm đó trời lạnh căm với những cơn gió mùa rít gào táp xác xơ rặng cây ngoài phố. Vậy mà mẹ và chị Hai đã ngồi từ sáng sớm đến tận giữa chiều ngâm tay trong giá buốt vuốt từng tấm lá dong, chắt từng vốc đỗ xanh đang bung mình rời vỏ. Tối đó, chị Hai lên cơn sốt, bố xót ruột nặng lời với mẹ: “Chả ăn thì thôi, hành con bé đến khổ”. Đặt tay lên vầng trán nóng hổi của chị mà mắt mẹ rơm rớm…

Mẹ có nhớ, mẹ con mình đã chồn chân mỏi gối đứng cả ngày ở cái ngõ nhỏ nhận gia công bánh quy trên phố ấy không? Từ sáng sớm, ngõ đã xôn xao tiếng nói, tiếng bước chân của các bà, các mẹ lỉnh kỉnh xách theo nào bột, nào đường, nào sữa đã được dành dụm rất lâu để có được mẻ bánh đón Tết. Nhà nào bột mỳ trắng thì bánh đẹp, nhà nào chỉ mua được bột mỳ thứ phẩm, mẻ bánh ra lò trông đến tội nhưng vẫn được đón nhận, hít hà, nâng niu. Cả đời này, đối với con, có lẽ những miếng bánh nằm ké khuôn bị xém cạnh, méo mó vẫn là ngon nhất. Bởi hương vị của dành dụm, của chờ đợi, của khát khao và của cả tưởng tượng nữa…

Chiều cái ngày cận Tết ấy, sau xe đạp của bố là một cành đào thật to được chằng buộc kỹ càng. “Tôi mua cành này hết tiền Tết đấy” – câu nói đùa của bố đã làm mẹ âu lo, tay đỡ cành đào run nhẹ. Hóa ra trên đường đi làm về, qua làng đào bố thấy người ta chặt bỏ cành đào dáng đẹp nhưng nụ ké rắn đanh, cữ trời lạnh thế này khó nở. Thương cho cành đào Tết chưa về mà đã gánh phận hẩm hiu, bố xin. Cả nhà mình tíu tít, mẹ đong nước vào lọ, chị chụm củi hơ gốc, con lục tìm trong ngăn tủ của mẹ dăm ba viên B1 “bồi dưỡng” cành đào. Để rồi, sáng mùng một năm ấy thức dậy, chị em con bật reo mừng với những cánh đào bật nở, nhỏ thôi nhưng đích thị hồng đào trong làn khói pháo thơm thơm vẫn còn phảng phất ngoài phố đưa vào…

Thấy con bận bịu công việc cuối năm, mẹ nhắc: “Tết định sắm gì để mẹ mua trước?”. Con ôm vai mẹ giả lả: “Mẹ ơi, thời buổi này lo gì. Một bữa ra chợ là xong” mà cố lờ hơi thở dài của mẹ.  Tối qua, câu hỏi của con gái đã làm con sực tỉnh. Phải chăng con đang tước đi của con trẻ hình ảnh về một cái Tết vui mà cha mẹ đã từng dành cho con? Để rồi sau này, dù ở chân trời góc bể, cháu gái của bà liệu sẽ còn ấn tượng gì với cái Tết quê nhà?

Mẹ ơi, hôm qua con đã ngắm thấy hàng lá dong, lạt, đỗ. Nhất định đi làm về chiều này con sẽ ghé. Rồi nhà mình sẽ lại có một cái Tết vui như những ngày xưa ấy. Thật vui, phải không mẹ?

Hồng Minh

Đọc thêm