Rộn rã mùa săn rươi

(PLO) -“Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”. Những ngày này, câu ca cũ lại rộn rã trong lòng mỗi người dân quê tôi. Đối với người dân quê tôi, ngoài mùa lúa, mùa cau, các mùa quả thì còn có một mùa nữa cũng mang lại ấm no cho dân nghèo, đó là mùa rươi. 
Rộn rã mùa săn rươi

Mùa rươi được tính vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch vì rươi chỉ xuất hiện vào 3 tháng cuối năm này. Khi các thửa ruộng đã gặt xong, khi cái rét mùa đông đã tràn ngập khắp cánh đồng Bắc bộ, nước ải theo gió heo may tràn về khắp đồng bãi cũng là lúc rươi nổi đỏ mặt ruộng. Rươi là loài động vật họ giun có nhiều tơ. Mỗi năm rươi từ trong lòng đất chỉ chui lên trong khoảng thời gian tháng 9, 10 và 11 âm lịch, trong mỗi tháng đó rươi chỉ nổi trong vài ngày. Chính vì mùa săn rươi chỉ trong khoảnh khắc nên người dân quê tôi phải huy động mọi lực lượng để “tận thu”. Người người, nhà nhà cùng rộn ràng ra đồng vớt “lộc trời”.

Rươi là một sinh vật kỳ lạ, không biết nó sinh sản như thế nào, khi nào, sống ở đâu và ăn thức ăn gì. Tìm thông tin trên mạng cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào giải thích về loại sinh vật này. Chỉ biết rằng với người nông dân vùng cửa sông nước lợ ở một số tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ thì con vật nhỏ bé này biết bao thân thương, gần gũi, từ bao đời nay đem về cho dân quê sự ấm no. Mỗi vụ rươi ngắn ngủi, những người nông dân may mắn có thể kiếm được vài chục ký, thậm chí cả làng có thể vớt được vài tạ rươi. Rươi là loài đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, hiện giá trị mỗi cân rươi bằng cả tạ thóc. Vậy nên nói mùa rươi là mùa no ấm cũng chí lý, chí tình lắm.   

Có vị lão nông kể rằng, bản thân ông cũng như người làng đã nhiều lần đặt câu hỏi rươi sống ở đâu mà bỗng dưng vào ngày ấy, tháng ấy hàng năm không hẹn mà nổi lên lắm thế? Những người nông dân như ông đã không ít lần xới đất để tìm dấu vết loài rươi nhưng không thể kiếm tìm. Rươi thường nổi nhiều vào các ngày cuối, đầu và giữa tháng như ngày 29, 30; mồng 1, mồng 2: ngày 14, 15 âm lịch; còn các ngày khác nổi rất ít và hầu như không. Về giờ giấc rươi nổi cũng không cố định, đa phần rươi nổi về đêm, nhưng cũng có khi đến mãi gần sáng mới “về”. Những khi rươi nổi, cả mặt ruộng đặc kín, đỏ au những sinh vật nhỏ nhoi, ngoe nguẩy như một đàn con cá quả nhỏ khổng lồ. Người dân già trẻ, lớn bé cứ thế hò nhau mang rổ, rá, vợt ra vớt về đổ đầy chậu lớn, chậu bé. Trung bình mỗi sào ruộng có rươi vớt được 7-10 cân; thi thoảng có hôm trời cho có khi vớt được 2-30 cân rươi, thu về hàng chục triệu đồng. 

Năm nay rươi được giá, người dân quê tôi chỉ việc vớt rươi về nhà là có thương lái vào tận nơi thu mua với giá từ 350.000 - 450.000 đồng/kg tùy loại con to nhỏ. Rươi có giá trị dinh dưỡng cao nên được chế biến thành nhiều món đặc sản như chả rươi, rươi hấp, rươi đúc trứng, rươi xào măng, mắm rươi... nên đắt kiểu gì thì những người nông dân quê tôi cũng không bán hết, nhà nào cũng phải bớt lại vài lạng để làm thức ăn cho lũ trẻ, chỉ là chả rươi đúc trứng kèm vỏ quýt, rươi xào củ niễng… những món dân dã quen thuộc có sẵn trong vườn nhà nhưng đã thành những món cao lương mỹ vị không một nhà hàng đặc sản nào sánh được… 

Đọc thêm