Rưng rưng “đo” tượng đài bằng tình yêu Tổ quốc

Trên đảo nhỏ, giữa bốn bề trùng dương, có thể cảm được chiều cao bề rộng của các tượng đài không phải bằng thước tấc, mà bằng tình yêu Tổ quốc lớn lao và lòng tự hào dân tộc vô bờ của mỗi người con đất Việt…


Trên đảo nhỏ, giữa bốn bề trùng dương, có thể cảm được chiều cao bề rộng của các tượng đài không phải bằng thước tấc, mà bằng tình yêu Tổ quốc lớn lao và lòng tự hào dân tộc vô bờ của mỗi người con đất Việt…

Người đã đồng ý, lúc sinh thời…

Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có một vị trí rất đặc biệt trong hệ thống tượng đài của Việt Nam. Đây là tượng đài Bác Hồ duy nhất được Bác đồng ý lập ngay khi Người còn sống.

dbgd
Bác Hồ về thăm đảo Cô Tô năm 1961 (ảnh tư liệu)

Quần đảo Cô Tô gồm 17 đảo, hình thành cánh cung nằm ở giữa mặt biển phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Bãi Cháy khoảng 80 km. Cô Tô - xưa kia có tên là Chàng Sơn - có vị trí địa – chính trị quan trọng. Năm Thiệu Trị thứ ba, triều Nguyễn cho xây dựng đồn lũy trên đảo để canh phòng, đồng thời có chính sách mộ dân khai khẩn. Ngoài nguồn lợi chính là hải sản, Cô Tô còn có ngư trường nuôi ngọc trai và là quần đảo chứa đựng tiềm năng du lịch lớn với bãi cát trắng mịn và rừng nguyên sinh vẫn còn được bảo tồn.

Ngày 9/5/1961, Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô bằng trực thăng. Giờ, nhiều vị trí ở Cô Tô còn in dấu chân Người. Đó là bờ ruộng khoai ngày nào Người dừng lại trò chuyện cùng bà con, là cánh đồng muối Người đã vào thăm… Bác căn dặn bà con trên đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo nhưng Ðảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.

Với tấm lòng kính trọng, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, quân và dân Cô Tô có nguyện vọng xin được dựng tượng Người trên đảo, để lúc nào cũng nhìn thấy hình ảnh của Người. Được Người chấp thuận, tượng đài Bác Hồ được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện từ đầu năm 1968.

Lúc đầu, đó là tượng Bác bán thân, tay phải giơ lên cao vẫy chào. Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác. Tượng cao 1,8 m, cả bệ cao bốn mét. Năm 1976, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 86 của Bác, tượng Bác bán thân được thay bằng tượng toàn thân, tượng có chiều cao 4,5 m, cả bệ cao 9 mét. Năm 1996, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, tượng Bác bằng bê-tông được thay bằng đá gra-nít.

Tượng Bác lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển cả bao la, tay phải giơ cao vẫy chào, được đặt trang trọng trong quần thể di tích với khuôn viên rộng 2.547 m2... Tượng Bác Hồ ở Cô Tô được đánh giá là tượng Bác đẹp nhất vùng Đông bắc.

Du khách đến thăm Cô Tô, ai cũng dừng chân viếng thăm tượng đài Bác. Đứng dưới chân tượng đài Người, sẽ có cảm giác lạ kỳ về Tổ quốc luôn gần bên ta và ý thức sâu xa hơn trách nhiệm của mỗi người giữ gìn từng tấc đất quê hương.

Nghiêng mình trước “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”

Du khách đặt chân đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), không ai không có những phút nghiêng mình trước tượng đài đề tên “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” tọa lạc ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

Cụm tượng đài khánh thành năm 2010, gồm ba nhân vật đều cao 4,5m, nặng 40 tấn đứng trước biểu tượng hai cánh buồm, trong đó có vị cai đội trưởng một tay cầm giáo, một tay đặt trên cột mốc chủ quyền có dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”, bên cạnh là một dân chài vai mang lưới và một lính Hoàng Sa đồng hành cùng vị cai đội. Đó chính là những đại diện của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

dbhfrh
Cụm tượng đài và Nhà lưu niệm “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”

Sau lưng hai cánh buồm có chạm khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa tối thị hiểm yếu” đã được Viện Sử học dịch nghĩa là: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa được xem là đặc biệt quan trọng”.

Trở lại lịch sử, vào thế kỷ 17, Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo Hoàng Sa, lại lập đội Bắc Hải, phụ trách các đảo xa ở phía nam quần đảo Hoàng Sa (nay là quần đảo Trường Sa). Điều này cũng ghi lại trong nhiều tài liệu lịch sử. Trích “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn soạn năm 1776, theo bản dịch của Viện Sử học, có đoạn: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy…

Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người ở xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, cùng do đội Hoàng Sa cai quản”. Cái tên “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” cũng từ nghĩa đó mà ra.

Phía sau tượng đài, nhà lưu niệm “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” được xây cất, khánh thành năm 2010 với lối kiến trúc trang nghiêm như một đình làng. Bên trong nhà lưu niệm tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” với các hiện vật như xơ đay (dùng để sửa chữa khi tàu thuyền bị hỏng), lu đựng nước, thẻ tre, dây mây, chiếu cói… Đặc biệt là mô hình thuyền câu, phương tiện đi biển do nghệ nhân Võ Hiển Đạt phục dựng. Tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” oai nghiêm sừng sững như ý chí của dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm không bao giờ chịu khuất phục.

Ngày xưa, cha ông đã không tiếc sức lực, tính mạng để bảo vệ một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nằm trên biển. Nay và mãi mãi về sau, những con dân đất Việt cũng sẽ quyết chí để giữ từng tấc đất, tấc biển, đảo quê hương – tôi đã nghe vang vọng từ trong tim mình như vậy khi đứng trước tượng đài Bác nơi đảo Cô Tô hay  “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” ở Lý Sơn…

Hoàng Thủy

Đọc thêm