Lịch sử đất nước hàng ngàn năm đã ghi dấu hình ảnh những bà, những mẹ gánh gồng ngược xuôi qua biết bao gian nan, thử thách. Chiếc đòn gánh trên vai không chỉ thấm đẫm mồ hôi mà còn mặn mòi nước mắt. Thời kì chiến tranh, hậu phương gánh gồng, tiếp lương, tải đạn, kĩu kịt từ mọi miền quê đi đến chiến trường. Chiếc đòn gánh thô sơ nhưng thấm đẫm tinh thần, ý chí, nghị lực, sáng ngời tâm hồn, cốt cách người Việt Nam.
|
Lịch sử đất nước hàng ngàn năm đã ghi dấu hình ảnh những bà, những mẹ gánh gồng ngược xuôi qua biết bao gian nan, thử thách (ảnh P.V) |
Khi chiến tranh lùi xa, chiếc đòn gánh ấy lại tất bật khắp các nẻo đường, vất vả sớm hôm vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Đặc biệt, hình ảnh chiếc đòn gánh cũng khiến ta đau đáu, khắc khoải nghĩ về đức hy sinh của đấng sinh thành. Những đứa trẻ sinh ra từ làng quê thuở nhỏ cùng mẹ, cùng cha rong ruổi khắp nơi trên đôi quang gánh nhọc nhằn. Từ những con đường làng, nơi triền đê lộng gió, đồng làng bát ngát cánh cò bay, góc chợ rộn ràng buôn bán.
Suốt những năm tháng gánh gồng đứa con thơ dại, cha mẹ nào cất lời kể lể, than van. Như chiếc đòn gánh bền bỉ, kiên trì, hy sinh cả một đời để vun vén hạnh phúc cho những đứa con thơ.
Hoạt cảnh thơ múa “Một đời gồng gánh” trong chương trình "Ơn nghĩa sinh thành" được dàn dựng bởi đạo diễn Mai Thanh Tùng, qua phần đọc lời bình của NSND Lê Chức và ca khúc “Đường về nhà” qua phần biểu diễn của ca sĩ Ái Phương đã mở ra một không gian ngập tràn tình mẹ và quê hương với thuở ấu thơ rưng rưng đầy xúc cảm, nêu bật lên chủ đề về đền ơn đáp nghĩa, báo hiếu tri ân đức sinh thành của cha mẹ. Đã thành thông lệ, đây chính là mở màn để đưa khán giả lên một “con thuyền” bồng bềnh đầy phiêu diêu của nghệ thuật, khiến ai nấy đều được cuốn hút ngay từ những phút đầu tiên.
|
Không gian “Trở về bên mẹ” với mái tranh, bờ chuối, với vại nước cây rơm, với những món ăn dân dã gợi cho vợ chồng bà Nguyễn Kim Thư và hàng ngàn khán giả bao niềm thương nhớ về tuổi thơ làng quê thanh bình (ảnh P.V). |
Tại “Ơn nghĩa sinh thành 2024”, không gian “Trở về bên mẹ” với mái tranh, bờ chuối, với vại nước cây rơm, với những món ăn dân dã gợi bao niềm thương nhớ một lần nữa là nơi khán giả của “Ơn nghĩa sinh thành” vô cùng thích thú. Được ngồi trong không gian này một chút thôi, được chụp ảnh với mẹ cha với những nụ cười rạng rỡ đã là hạnh phúc vô bờ bến đối với mỗi gia đình. Từng quả thị thơm lừng mùi cổ tích, từng quả ổi tỏa ngát vị quê nhà, từng chén nước chè xanh, từng chiếc kẹo, chiếc bánh đậm đà tình thôn dã, từng món quà BTC trân trọng gửi tặng đến khán giả cũng để góc quê được ùa vào tâm trí mỗi người, gợi nên biết bao kí ức êm đềm và đẹp đẽ.
Bà Nguyễn Kim Thư 71 tuổi (phố Tây Sơn, Hà Nội) rưng rưng: “Chương trình đã dựng không gian hoài niệm “Trở về bên mẹ”, khiến tôi nhớ về tuổi thơ với làng quê thanh bình tại ngoại ô Hà Nội. Tôi đã khóc khi nghe các tác phẩm về cha mẹ. Cha mẹ đã vất vả vì nuôi dạy 8 anh em tôi nên người. Cha mẹ tôi đã mất, tôi rất nhớ họ”.
Những sáng tác của nhiều thế hệ về tình cảm gia đình được thể hiện qua những giọng ca ở nhiều vùng miền cho thấy dù thời gian trôi qua bao lâu thì những giá trị vĩnh hằng của tình thân yêu, của lòng biết ơn vẫn sẽ mãi mãi khắc sâu vào lòng khán giả, được họ yêu mến và trân trọng bởi đó chính là tiếng lòng của mỗi người con trên đất nước này.
|
Tiểu phẩm "Cha và con" mang thông điệp: Dù bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ vẫn luôn là người lo lắng, chở che cho các con (ảnh P.V). |
Một điểm nhấn khiến khán giả không thể kìm nổi nước mắt và rút ra những bài học sâu sắc cho mình là tiểu phẩm "Cha và con" do các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ vẫn luôn là người lo lắng, chở che và theo ta suốt cả cuộc đời. Đứng trước mỗi giông gió, lỗi lầm của cuộc đời, tình cha, tình mẹ sẽ luôn như ánh đuốc sáng soi, thức tỉnh, lay động trái tim để ta trở về với đúng nghĩa làm người. Điều giản dị đó không phải ai cũng nhận ra nhưng khi đã thức tỉnh thì ý thức vô cùng sâu sắc.
Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc, phóng sự về các hoạt động tri ân diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc cho thấy đây là hoạt động bền bỉ và liên tục của báo Tuổi trẻ Thủ đô hướng tới những đối tượng đáng được cả xã hội trân trọng, biết ơn. Đó là những Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn và những gia đình chính sách, các hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại vùng đất chịu nhiều tổn thất do chiến tranh.
Tại chương trình nghệ thuật “Ơn nghĩa sinh thành 2024”, BTC phối hợp với các đơn vị trao 30 suất học bổng mỗi suất 1 phần quà và 5 triệu đồng tiền mặt đến các em học sinh là những “Gương người con hiếu thảo năm 2024” trong thanh thiếu nhi Thủ đô Hà Nội.
Phần giao lưu với Team Lee - nhóm bạn trẻ đã sử dụng công nghệ hiện đại để phục dựng ảnh của các liệt sỹ, mang đến niềm vui cho rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng trong thời gian vừa qua cho thấy ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn với thế hệ đi trước, với những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc rất thường trực trong lòng mỗi bạn trẻ. Trong khi đó, nhóm bạn trẻ với dự án “Hà Nội chung tay”, những chàng trai GenZ đã mang đến mái ấm 0 đồng cho người già vô gia cư ở Hà Nội cho thấy những người yếu thế trong xã hội luôn được bạn trẻ quan tâm và giúp đỡ bằng những hành động cụ thể. Tâm sự của các bạn chính là lời gửi gắm tới thế hệ trẻ, mỗi người hãy hành động ngay, bằng những việc làm thiết thực và cụ thể mang đến những niềm vui, những việc làm có ích cho gia đình và xã hội.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết, "Ơn nghĩa sinh thành 2024" là dịp để thể hiện tấm lòng thành kính tri ân các đấng sinh thành bằng những hành động thiết thực và lan tỏa thông điệp đó để cả xã hội sống trong tình yêu thương và lòng biết ơn. Đồng thời, tình cảm đó phải được nhân lên, thể hiện bằng những việc làm, những hoạt động thiết thực trong hành trình tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ Tổ quốc, tưởng nhớ sự hi sinh của các Anh hùng liệt sĩ, huy động tấm lòng và các nguồn lực để chăm lo người có công và những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.