Rưng rưng Tháng Tư giữa biển trời Tổ quốc

Vẫn còn đó những câu chuyện đầy nước mắt và chan chứa tình cảm nơi đảo xa mà chúng tôi, những người làm báo chưa ghi lại hết được. Một chuyến đi đến với đảo xa, được thấy Tổ quốc mình chưa bao giờ đẹp và thiêng liêng hơn thế...

Đoàn công tác Bộ Tài chính dẫn đầu ra thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) vào những ngày tháng Tư lịch sử. Theo lịch trình của đoàn công tác, chúng tôi sẽ thả neo và cập bến để vào thăm quân và dân huyện đảo đúng vào sáng ngày 30/4 lịch sử.

Chúng tôi được ưu tiên đi trên chiếc xuồng đầu tiên vào đảo trong niềm háo hức vì lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, nơi muôn trùng khơi, đầu sóng ngọn gió.

Trong không khí trong lành của buổi sớm, tiếng chim hót, tiếng chuông chùa khiến bất kỳ ai trong chúng tôi đều có cảm nhận về sự thanh bình của huyện đảo, nhất là màu xanh phủ khắp nơi nơi , màu của những cây phong ba, của những tán bàng vuông đang vươn lên mạnh mẽ.

Chúng tôi đi thăm quân và dân trên đảo, ghé thăm nhiều nơi và điều đặc biệt ấn tượng đối với tôi đó là những vườn rau xanh mướt. Đối với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, việc trồng rau không hề dễ dàng như trong đất liền. Khí hậu có phần khắc nghiệt, nắng thì như thiêu như đốt, mưa thì xối xả nên có được một vườn rau để cải thiện bữa ăn hàng ngày là biết bao mồ hôi, công sức con người trên đảo phải bỏ ra.

Một chiến sĩ trẻ cho hay, trồng rau quan trọng nhất vẫn là nước tưới hàng ngày. Vốn nước ngọt không phải lúc nào cũng sẵn nên nước chăm rau cũng chắt chiu từng giọt. Bởi lẽ thế, trẻ em trên đảo cũng được giáo dục sử dụng nước tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ.

Trên lịch trình công tác tại một số điểm đảo và nhà giàn DK1, chúng tôi vẫn bắt gặp những “ô” rau của các chiến sĩ được trồng ngay ngắn và cẩn thận.

Các chiến sĩ tâm sự rằng: “Có được bữa rau là quý lắm vì cá tôm đã sẵn rồi. Nhiều khi bữa cơm không có rau sao thấy thèm đến thế”. Tại nhà giàn DK1, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thiếu úy Trần Hữu Lê quê Hà Tĩnh, phụ trách vườn rau của đơn vị. Anh cho biết, các anh tận dụng từ những hộp xốp và đất từ đất liền gửi ra để trồng mấy chục ô rau. Sau một tháng thu hoạch rau này thì có rau khác ăn tiếp.

Mùa nắng các anh trồng nhiều cải hơn nhưng rau muống là dễ trồng và chăm sóc nhất. Lê tâm sự: “Nhiều đêm ngủ mà nghe gió đổi chiều là tất cả anh em dậy bê các ô rau đi chỗ khác vì sợ táp lá chết  thì mất bao công sức chăm lo. Có những lần tàu cá của bà con ngư dân mình vào đây xin nước ngọt, xin thực phẩm, cho bà con mớ rau mà bà con cứ nghẹn ngào không nên lời vì quý quá!”.

Không cứ gì nhà giàn, các điểm đảo chìm như Đá Lát, Đá Tây, Thuyền Chài… khi chúng tôi ghé thăm, điều mà nhiều thành viên trong đoàn quan tâm nhất chính là những vườn rau chiến sĩ. Thế mới biết, màu xanh ở đảo Trường Sa không chỉ màu xanh áo lính, không chỉ những tán cây bàng vuông mà còn có màu xanh của rau, của những niềm vui giản dị...

Sức sống Trường Sa.
Niềm vui Trường Sa.

Tình người đảo xa

Trong chuyến công tác thăm cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, tình cờ chúng tôi gặp được Thượng úy chuyên nghiệp Phan Văn Hoàng (quê Yên Thành, Nghệ An) đang làm nhiệm vụ tại Cụm chiến đấu số 1, đảo Trường Sa lớn. Sau giờ làm nhiệm vụ, thấy anh lặng lẽ ngắm ảnh con gái...

Cưới vợ từ năm 1998, anh và chị Thảo mãi mà không có con. Sau chuyến công tác biển xa ngày, Thượng úy Hoàng có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Hai vợ chồng quyết định lên Bệnh viện Từ Dũ khám lại và thụ tinh nhân tạo.

Cháu Phan Thị Thu Hoài ra đời, ngay sau đó anh thu xếp về nhà để hưởng niềm vui làm bố. Nhưng  cháu Hoài bị thiếu máu bẩm sinh khiến vợ chồng anh phải tất tả khắp nơi chữa bệnh cho cháu.

Suốt năm tháng ròng sau khi con ra đời, hai vợ chồng anh đưa cháu chữa bệnh tại năm bệnh viện lớn trong và ngoài nước. Do kinh phí quá lớn, hai vợ chồng anh quyết định bán đi căn nhà đang ở để lấy tiền tiếp tục chữa bệnh cho cháu nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Sau một thời gian cố gắng, anh báo cáo việc gia đình lên Bộ Tư lệnh Hải quân.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn, cán bộ quân chủng Hải quân và nhiều cơ quan đã tích cực giúp đỡ gia đình anh dần cải thiện phần nào bệnh tình của cháu. Thượng úy Hoàng tâm sự: “Chưa biết cháu có thể ở lại với mình được không anh ạ nhưng sự giúp đỡ của mọi người dành cho vợ chồng tôi là một động lực lớn để tôi yên tâm công tác, luôn sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Báo PLVN đã gửi tặng các cháu học sinh huyện đảo Trường Sa 2.000 cuốn vở, 1.000 chiếc bút bi, 1.000 chiếc bút chì cùng bốn thùng sách, vở. Ngoài ra, quà tặng có 100 bộ quần áo, đồ chơi và đồ dùng cá nhân cho các cháu. Cũng trong ngày thăm huyện đảo, Báo PLVN và đoàn công tác đã tặng quà, động viên Thượng úy Phan Văn Hoàng...

Báo Pháp luật Việt Nam tặng quà cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa.
Báo Pháp luật Việt Nam tặng quà cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa.

Sóng nước thiêng liêng

Trên đường vào thăm cán bộ chiến sĩ tại đảo Trường Sa Đông, đoàn công tác chúng tôi lặng lẽ từng người một thắp nén hương cho ba liệt sĩ mà khi hy sinh họ cũng ở độ tuổi còn rất trẻ . Những giọt nước mắt lã chã rơi... Ai cũng cảm thấy lồng ngực mình khó thở, ai cũng thấy tháng Tư giữa đảo trời Tổ quốc thật trang trọng, uy nghi...

Cuộc sống trên đảo Trường Sa Đông đã có nhiều đổi khác. Mạng lưới thông tin và đời sống cán bộ chiến sĩ đã được cải thiện đáng kể. Giờ đây, với những quạt gió, pin năng lượng mặt trời, với khí tài hiện đại, các chiến sĩ tự tin chắc tay súng và làm chủ phương tiện để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Địa điểm cuối cùng mà chúng tôi đặt chân tới là nhà gian DK1. Câu chuyện về những hy sinh mất mát nơi đây làm chúng tôi xúc động.

…Ngày 5/7/1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập. Vào những năm 1990, do thiên nhiên hung dữ và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số Nhà giàn. Trong cuộc vật lộn với những cơn bão khủng khiếp đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, kiên cường làm sáng lên lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, cao đẹp, thuỷ chung, sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới.

Đó là tấm gương hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, chiều 4/12/1990. Dưới sự chỉ huy của Trung úy - Chỉ huy trưởng Bùi Xuân Bổng và Trung uý - Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Nguyễn Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, Nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển và rồi ba đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Chuyện kể rằng, sau nhiều giờ chống chọi và bị sóng đánh tơi tả, trong cận kề giữa sự sống và cái chết, Trung úy Hải quân nhân dân Việt Nam Nguyễn Hữu Quảng nhận thấy nếu mình sống thì người chiến sỹ yếu nhất của đơn vị sẽ hy sinh. Anh đã quyết định nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất, anh đã làm một việc cao cả mà chỉ người quân nhân cách mạng mới làm được đó là nhường sự sống cho đồng đội, để rồi vĩnh viễn ra đi .

Tại nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8/1998, Nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội... nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, với tinh thần còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng...

Tuy nhiên, sức người thì có hạn, Nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sỹ bị hất tung xuống biển; mặc dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng ba cán bộ là Đại uý, Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh, các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng, nước đại dương; riêng đồng chí Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ nơi người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt bố.

Chúng tôi như lặng đi khi nghe chuyện về tấm gương hy sinh anh dũng của Liệt sĩ - Chuẩn uý Lê Đức Hồng. Anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy Quân chủng. Khi Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” để rồi ra đi, mãi mãi nằm lại với biển khơi.

Còn đó biết bao tấm gương dũng cảm của Thượng uý Phạm Tảo, Thượng úy Chuyên nghiệp Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền.... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, đạp lên sóng dữ và dũng cảm hy sinh thân mình trong khi tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn mà không một chút so đo, suy tính.

Vẫn còn đó những câu chuyện đầy nước mắt và chan chứa tình cảm nơi đảo xa mà chúng tôi, những người làm báo chưa ghi lại hết được. Một chuyến đi đến với đảo xa, được thấy Tổ quốc mình chưa bao giờ đẹp và thiêng liêng hơn thế...

Ngọc Trìu

Đọc thêm