Cuối thế kỷ 20, lịch sử vệ quốc của dân tộc đã dành một phần trang trọng để kể về Chiến công Rừng Sác. Gần bốn thập kỷ trôi qua nhưng nhiều nhân chứng kể lại, thật khó tin là những người nông dân trẻ tuổi vào quân ngũ, sống cả chục năm dưới sông nước bị địch bao vây tứ bề lại lập được nhiều chiến công tầm cỡ đến thế.
Trung tuần tháng tư vừa rồi, Ban liên lạc Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác họp mặt kỷ niệm 54 năm thành lập (15/4/1966 – 15/4/2011).Tại cuộc gặp gỡ này, các cựu binh Rừng Sác năm xưa đã hạnh ngộ trong niềm vui khôn tả và xúc động bằng nhiều nước mắt. Những cựu binh vui vì đất nước hòa bình, họ bùi ngùi, xúc động vì hơn 800 đồng đội đã ở lại Rừng Sác, trong đó nhiều người đến nay vẫn chưa có riêng một tấm bia mộ.
Theo đại tá Lê Bá Uớc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 10 Rừng Sác, Biệt khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) là một căn cứ cách mạng trọng yếu của quân ta. Thời chống Pháp, Rừng Sác là một căn cứ nổi tiếng, nơi giao liên và tiếp nhận binh vận và vũ khí. Thời chiến tranh chống Mỹ, một tổ chức quân sự của ta được thành lập gọi là "Biệt khu Rừng Sác". Năm 1962 -1963, nơi đây trở thành trạm tiếp nhận hàng quân sự từ Bắc vào Nam.
|
Những kỷ vật chiến tranh |
Năm 1964, một phân đội đánh tàu của Bộ Tham mưu Miền đã cắm chốt ở đây. Sau đó không lâu, đội công binh thủy thành lập đoàn 125, rồi đoàn 5001. Nhiệm vụ của lực lượng Đặc khu Rừng Sác tập trung “kiểm soát” sông Lòng Tàu, chặn đứng các tàu chiến địch vận chuyển vũ khí, quân trang quân dụng, đánh vào kho tàng, cảng của địch. Trong hơn chín năm đương đầu trực tiếp với quân đội Mỹ, Trung đoàn đã đánh 595 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 lính Mỹ, Ngụy; đánh chìm và đốt cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, bắn rơi 29 máy bay trực thăng, thiêu huỷ hàng trăm triệu lít xăng dầu và rất nhiều chiến công khác. Để "đập tan thế cầm cự của Việt Cộng" bên nách Sài Gòn, Mỹ đã trút xuống Rừng Sác 2 triệu tấn bom đạn và hơn 4 triệu lít chất hóa học bằng một chiến dịch “hủy diệt” bằng máy bay B52. Sau chiến dịch “khai hoang” này của địch, cỏ cây ở Rừng Sác bị thiêu đốt sạch, lính đặc công không còn chỗ ẩn nấp, cuộc chiến sinh tử lại càng cam go hơn bội phần. Thế nhưng, những người lính đặc công vẫn bám trụ trận địa, luôn "xuất quỷ nhập thần" và tiếp tục lập thêm những chiến công hiển hách.
Sau 36 năm miền Nam được giải phóng, Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 Rừng Sác nói với tôi, những năm tháng ở Đặc khu Rừng Sác hồi ấy chỉ có những con người cộng sản mới đủ sức làm những chuyện tưởng chừng không thể như vậy. “Chúng tôi thắng địch nhờ và ba điểm mà địch không có, đó là lòng yêu nước, chí gan dạ và trận địa lòng dân”- tướng Lập khẳng định.
Tại tư gia trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP. Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Lập kể cho tôi nghe về những chuyện ở Rừng Sác năm xưa mà theo ông chưa nhiều người thời nay được biết. Câu chuyện của ông nhiều đoạn bị ngắt quãng khi ông nhớ ra hình ảnh một chiến sĩ quen không còn nữa, những tấm gương hy sinh dưới làn đạn của đồng đội để bảo vệ chiến khu.
Ông kể: “Trong một thập kỷ ở Rừng Sác hồi ấy, chúng tôi luôn sống trong cảnh thiếu cơm, nước ngọt, thuốc men và vũ khí. Chiến khu là rừng ngặp mặn, khu này bị cô lập với thế giới bên ngoài bằng sông nước. Căng nhất là khi rừng bị định khai hoang trắng mặt đất, địch bao vây bốn phía. Để tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, chiến sĩ đặc công liên lạc với bên ngoài bằng cách nhờ dân dùng ghe hai đáy để chuyển gạo vào chiến khu.
Những chiếc ghe hai đáy bị địch phát hiện, dân lại tiếp tế cho bộ đội bằng cách đưa gạo vào ruộng nấu cơm tăng khẩu phần, nấu cơm vắt thành vắt to ở nhà đem vô chiến khu nhưng vẫn bị lộ. Lúc không còn nguồn lương thực tiếp tế, dân mình lại nghĩ ra cách thu hoạch lúa xong vùi lúa trong rơm ngoài đồng rồi chỉ cho lính đặc công đêm ra lấy về.”
Rừng Sác là khu nước mặn, để cầm hơi, lính đặc công dùng nước mặn nấu nước cất như cách người ta nấu rượu rồi dùng bịch ni lông để dành. Một người lính lúc ấy chỉ được bốn lon sữa bò nước ngọt mỗi ngày, mất nước là mất nguồn sống.
Chuyện ăn uống thiếu đã đành, chuyện tải thương binh vượt tuyến qua sông Lòng Tàu về với đất liền càng cực hơn. “ Chúng tôi đào hầm nửa âm nửa dương, để giấu thương binh. Thiếu băng, chúng tôi cắt mùng chống muỗi luộc chín làm băng, dùng muối hột nấu nước để sát trùng vết thương, nhiều chiến sĩ đã qua cơn nguy kịch từ những cách làm vận dụng này” - ông Lập hồi tưởng.
Trong nhà tưởng niệm các anh hùng đặc công Rừng Sác ở Cần Giờ, người thời nay vẫn còn đọc được câu khẩu lệnh “Một tấc không đi, một ly không rời trận địa. Còn người còn bám trụ, còn người còn chiến đấu” của Đại đội 6 Rừng Sác cắt máu đầu ngón tay viết thư gửi cấp chỉ huy được lưu lại nơi đây.
Muốn có cơm ăn, người lính đặc công phải nấu dưới hầm 2/3 là nước bằng bếp không khói. Nguồn tiếp vận vũ khí bị địch chia cắt, lính đặc công “đi mót” đạn, mìn lép về cưa ra lấy thuốc chế lựu đạn. Khi đi qua sông tiếp vận cho các đơn vị bạn, ngoài tránh máy bay tuần tiễu, lính đặc công còn phải đối đầu với cá sấu.
Bà Lập, cũng là chiến sĩ đặc công Rừng Sác kể, để tránh mất quân số, chiến sĩ đặc công dùng vịt cột lựu đạn dưới bụng thả trôi sông, cá sấu bập lấy là tan xác, nhờ vậy con số đặc công bị sấu ăn thịt chỉ dừng lại ở con số ba, nếu không nghĩ ra cách đối phó này nhiều anh em còn thiệt mạng nữa.
Vợ chồng tướng Lập kết hôn ngay tại Rừng Sác, họ đến với nhau bằng tình đồng chí, cùng nhau sống chết dưới làn đạn và sự sống cái chết đôi khi chỉ tính bằng giây phút. Bà Lập kể về thời chiến khu mà mắt cứ đỏ hoe: “Đàn ông ở sông nước đã cực, chị em phụ nữ chúng tôi lại càng cơ khổ, nhất là chuyện vệ sinh cá nhân.
Tuy khổ thế nhưng chả ai đào ngũ, mà cũng không ai than thân trách phận, chỉ mong mọi người vẹn toàn và mong ngày hòa bình đến sớm”. “Tham gia lực lượng đặc công Rừng Sác có hơn 1000 người đến từ ba miền Bắc –Trung –Nam, trong đó có 43 nữ đặc công. Chiến tranh kết thúc, 869 người lính đặc công hy sinh, những người ngã xuống có chị tuổi còn rất trẻ và chưa một lần yêu. Những người hy sinh là những người dũng cảm nhất”- bà Lập nói trong nước mắt rưng rưng.
Sau 36 năm được giải phóng, khu đất chết Rừng Sác năm xưa nay đã hồi sinh mạnh mẽ. Toàn bộ Rừng Sác với 40.000 ha rừng, chiếm 54% diện tích của cả huyện Cần Giờ (trong đó có hơn 30.000 ha là rừng tái tạo) bị bom, thuốc độc thiêu đốt sạch nay là khu rừng ngập mặn trù phú. Cần Giờ bây giờ cũng đã thay da đổi thịt nhiều lắm. Đường, trường, trạm, con em đa số đều được đến trường và nhiều người đã đỗ đến tiến sĩ. Kinh tế từ trồng vườn, nuôi tôm bán công nghiệp, nuôi tôm kết hợp với làm muối, làm muối trải bạt, dịch vụ du lịch sinh thái của Cần Giờ có mức tăng trưởng trên dưới 20% /năm.
Cần Giờ tuy vẫn còn là huyện nghèo của TP. Hồ Chí Minh nhưng nhìn về sự phát triển của Cần Giờ hôm nay so với thời còn chiến tranh lại là sự phát triển nhanh nhất thành phố. Để Cần Giờ có được gam màu sáng như ngày hôm nay là nhờ màu hồng từ sự hy sinh của hàng nghìn người chiến sĩ trong quá khứ.
Thế Vĩnh