Con đường âm nhạc trải dài từ phố đến rừng
Cao Minh, người nghệ sĩ nổi danh với giọng ca trầm ấm, đã để lại dấu ấn không thể phai trong lòng nhiều người hâm mộ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, sau ánh hào quang của sân khấu, ông lại chọn cho mình một cuộc sống lặng lẽ, hòa mình với thiên nhiên, bỏ lại phồn hoa đô hội để về với rừng. Đó không chỉ là một quyết định thay đổi về mặt địa lý, mà còn là sự trở về với chính tâm hồn yêu tự do và thiên nhiên thuần khiết.
Sinh ra tại Long An vào năm 1961, Cao Minh đã sớm bộc lộ tài năng và niềm đam mê âm nhạc từ khi còn nhỏ. Cao Minh nổi bật trong các cuộc thi âm nhạc. Năm 1978, ông đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình tỉnh Tây Ninh, đây chính là cánh cửa đầu tiên mở ra chặng đường chuyên nghiệp trong sự nghiệp ca hát của Cao Minh.
Ca sĩ Cao Minh thích tự tay trồng thật nhiều cây trên đảo, nhất là trồng bằng lăng |
Đỉnh cao của sự nghiệp âm nhạc đến vào năm 1988 khi ông giành giải nhất Concours quốc gia lần thứ nhất, đồng thời đoạt giải Người hát hay nhất về đề tài Hồ Chí Minh với ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người. Từ đó, tên tuổi của Cao Minh tiếp tục được nhiều người biết đến và nổi tiếng với các ca khúc trong dòng nhạc đỏ như Tiểu đoàn 307, hay nhạc trữ tình như Đôi mắt người Sơn Tây, Bến Xuân.
Kết nối với thiên nhiên
Dù sự nghiệp ca hát gặt hái nhiều thành công nhưng Cao Minh không chọn cuộc sống đô thị nhộn nhịp ở thành phố. Từ đầu những năm 2000, ông về sinh sống tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, ông có thể gần gũi với cây cỏ, sông nước và chim muông.
Giữa lòng thiên nhiên, tiếng hát của ca sĩ vang vọng khắp núi rừng |
Người ta thường hình dung về những nghệ sĩ nổi tiếng là những người luôn đắm chìm trong ánh đèn sân khấu và sự tán dương của đám đông, nhưng với Cao Minh, ánh sáng của thiên nhiên là điều mà ông luôn tìm kiếm. Trong khu rừng riêng của mình, ông đã cho thấy một hình ảnh khác của một người nghệ sĩ yêu cái đẹp của thiên nhiên không kém gì tình yêu ông dành cho âm nhạc.
Ca sĩ Cao Minh bây giờ khoác lên mình vẻ ngoài đậm chất "nông dân" nhưng nét lãng tử phong trần của người nghệ sĩ vẫn không hề mất đi...
“Rừng Thiêng” buông tiếng gọi
Ngồi bên tách trà, trên hòn đảo Cao Minh, giữa thiên nhiên xanh ngát, hướng tầm mắt ra mặt hồ Trị An mênh mông và như hồi tưởng lại những ngày ấu thơ, ông chia sẻ “từ khi còn là cậu bé chăn trâu, tôi đã rất mê âm nhạc, mà cũng không biết thế nào là đúng. Gặp cái gì tôi cũng lấy chế làm nhạc cụ, từ cái máng, cái bếp lò, nắp nồi, ống tre... nhiều khi bị xem là thằng phá làng, phá xóm. Tôi chỉ thật sự "giác ngộ" để biết thế nào là âm nhạc, hát thế nào là đúng khi thi đậu vào Trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TP HCM), một ngôi trường danh tiếng về đào tạo âm nhạc của Việt Nam.
Theo lời Cao Minh, năm ông thi, rất đông người dự thi nhưng chỉ có mình ông đậu khoa thanh nhạc nên ông không có bạn thanh nhạc cùng khóa.
Ông tự nhận để có Cao Minh ngày nay, sự phấn đấu học hành chăm chỉ của ông chỉ là chuyện nhỏ, cái chính là nhà nước đã nuôi ông hát, học bổng và tiền thuế của nhân dân đã nuôi ông hát nên ông rất ý thức trong việc hát. Bên cạnh người đoạt giải bài hát hay nhất về Bác Hồ, ông cũng đoạt giải người hát dân ca hay nhất. Những giải thưởng đó thể hiện sự biết ơn của ông đối với tất cả mọi người.
Ca sĩ Cao Minh thật sự hạnh phúc khi hoà mình vào thiên nhiên |
Nhân dịp gặp gỡ này, ông đã hát tặng chúng tôi ca khúc “Rừng Thiêng” do ông sáng tác. Ông nói: “Trước khi hát, ai cũng gọi ca khúc này là Mã Đà, nhưng tôi gọi đây là ca khúc "Rừng Thiêng", bởi lẽ Mã Đà trong lòng tôi là biểu tượng của rừng thiêng, nơi thiên nhiên hoang sơ và trở thành lá chắn vững chắc trong các cuộc kháng chiến”. Nơi rừng thiêng đó có những dòng suối hung hãn, cánh rừng bí ẩn và khắc nghiệt không chỉ là thử thách mà còn là nơi che chở cho các chiến sĩ cách mạng, góp phần bảo vệ Chiến khu Đ.
“Trong tâm trí tôi, Mã Đà là minh chứng cho ý chí kiên cường và sự mưu trí của con người Việt Nam trong lịch sử hào hùng, chính những điều này đã thôi thúc tôi sáng tác nên bài hát" – Cao Minh tâm sự.
Lời bài hát Rừng Thiêng có đoạn: “Mã Đà ơi, Mã Đà ơi! rừng lại hồi sinh khi không còn chiến tranh, sắc lá xanh hơn khi không chặt phá rừng. Thiếu tiếng chim ca rừng càng thêm hoang vắng, không tiếng hổ gầm rừng mất cả linh hồn. Mưa gió ào lên cùng núi rừng than thở, gọi lòng người hãy yêu mến rừng xanh…”. Lời bài hát cũng là thông điệp, là tình yêu cũng như tiếng lòng của ông, mong muốn mọi người hãy “yêu lấy rừng xanh”.
Giữa guồng quay cuộc sống hiện đại, hình ảnh Cao Minh sống giản dị thả mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, và giữ trong mình tình yêu với âm nhạc là một minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn. Đó không chỉ là một cuộc hành trình về thể chất mà còn là sự trở về với chính con người nghệ sĩ trong ông, người luôn trân trọng sự bình yên, thanh sạch của thiên nhiên .
Cao Minh, người ca sĩ bỏ phố về rừng, đã cho thấy rằng cuộc sống thực sự không chỉ là thành công hay danh vọng, mà là tìm kiếm sự kết nối với tự nhiên và với chính mình. Giữa lòng thiên nhiên, ông vẫn tiếp tục ca hát, không phải để chinh phục đám đông mà để hòa mình với nhịp điệu của đất trời.
Nói về hoàn cảnh sáng tác bài Rừng Thiêng, Cao Minh cho biết, khi ông được UNESCO mời hát trong dịp Mã Đà được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển năm 2011, lập tức ông đã sáng tác bài hát ngay trong 1 đêm. Bởi sự kiện này giúp ông bật ra nhiều cảm xúc do bài Rừng Thiêng gắn với sự tích rừng Mã Đà dựa trên một bán truyền thuyết nói về một vị tướng (vị này giỏi nhưng không nổi tiếng). Sau khi đánh thắng giặc trở về vị tướng đã đi đường chính. Đến dòng sông, ngựa khát nước nên dừng lại và quỳ xuống uống nước, đúng lúc đó vị tướng bị phục kích và bị giết chết nên người ta đã đặt tên dòng sông là Mã Đà (ngựa quỳ).