Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
Cụ thể, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Từ giữa tháng 02 đến tháng 03/2020, mực nước ở thượng lưu sông Mekong tiếp tục duy trì ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong qua Tân Châu, Châu Đốc luôn bị thiếu hụt từ 10-20% so với cùng kỳ năm 2016.
Mực nước cao nhất ở các tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh An Giang cũng đang ở mức xấp xỉ và thấp hơn năm 2016 từ 5cmđến 25cm. Dự kiến mùa khô năm nay có thể kéo dài đến giữa tháng 05/2020 và điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác bơm tưới nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy tại núi Phú Cường (Tịnh Biên, An Giang) đang báo động vì cỏ khô héo nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao. |
Theo số liệu quan trắc tại 8 trạm đo ở 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn (khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang) cũng cho thấy độ mặn đang ở mức 0,1 đến 0,2% nên chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và dân sinh.
Tuy nhiên, trong trường hợp hạn, mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng, nhiều khả năng hơn 9.300 ha sản xuất nông nghiệp của 2 huyện này cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (diện tích huyện Tri Tôn bị ảnh hưởng là hơn 3.000 ha và huyện Thoại Sơn là trên 6.200 ha).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Thời gian qua, Tỉnh đã kịp thời phối hợp với tỉnh Kiên Giang trong việc vận hành hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt là các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho 03 vùng An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Do đó, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp cũng đã có 4 đợt kiểm tra ở 11/11 các huyện, thị, thành về công tác chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trước và sau Tết Nguyên đán; thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt ở các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Mặt khác, trong điều kiện mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng, không có mưa, tỉnh An Giang hiện cũng đang đối mặt với nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn trong mùa khô là rất cao; đặc biệt ở các khu vực rừng tràm, các khu du lịch đồi núi được xác định là những nơi tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng cao nhất.
Ông Trần Phú Hòa (bên phải) - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang làm trưởng đoàn kiểm tra công tác PCCC tại rừng tràm Bình Minh (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn). |
Tính đến nay Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 16.868 ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, diện tích khoanh vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh An Giang rơi vào khoảng 7.286/16.868 ha, chiếm 43,2% tổng diện tích rừng và hầu hết đều đang báo động ở cấp V (cấp cháy rừng cực kỳ nguy hiểm).
Tăng cường công tác tuyên truyền - Nâng cao nhận thức người dân
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết thêm: Tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm kết hợp các đoàn thể, các xã có rừng thực hiện lồng ghép trong các buổi họp dân để tuyên truyền giáo dục về phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, mua bán vận chuyển gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép; tạo các thông điệp về bảo vệ rừng trên các bảng pano cố định và thực hiện thông báo các quy định của Trung ương, tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hiện nay, tỉnh An Giang đã triển khai trên diện rộng 37/37 phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa bàn các huyện, xã có rừng; kịp thời củng cố lực lượng, bố trí phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra (122 máy chữa cháy; 167 máy chữa cháy đeo vai và trên 7.535 thùng chứa nước, bình xịt, can nhựa, thùng thiết, kẻng báo động...); thực hiện định vị, rà soát thống kê toàn bộ các hồ đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng trên khu vực đồi núi với 190 điểm chứa nước, với dung tích từ 1m3/điểm trở lên.
Các lực lượng tham gia diễn tập chống cháy rừng tại ở đồi 4, núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên (An Giang). |
Cùng với đó, để ứng phó với tình hình thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp năm 2020, đặc biệt là vụ Đông Xuân 2019 - 2020, Hè Thu năm 2020 và thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn, vừa qua UBND tỉnh An Giang cũng đã có kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm hỗ trợ cho tỉnh nguồn kinh phí thực hiện các công trình nạo vét kênh mương, nạo vét khơi thông cống tạo nguồn nước, đấu nối hệ thống cấp nước sinh hoạt phục vụ công tác phòng, cháy chữa cháy rừng và phòng, chống hạn, mặn năm 2020.
Về lâu dài, UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ kinh phí về phòng cháy, chữa cháy rừng cấp bách năm 2020 để chủ động bổ sung các trang thiết bị, hạ tầng phục vụ Lâm nghiệp và đào hồ chứa nước trên các khu vực chân núi vừa phục vụ dân sinh, vừa phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng; đồng thời, có kế hoạch phân bổ kinh phí để thực hiện các dự án về bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, thiết bị chữa cháy rừng đồi núi như thiết bị bay điều khiển từ xa (drone).
Ông Nguyễn Quốc Trị (đứng thứ 2 từ trái sang) - Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có chuyến công tác tại tỉnh An Giang về phòng, chống thiên tai năm 2020 và kiểm tra tình hình phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh (13/02/2020). |
Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1299/CT- BNN-TCLN ngày 21/02/2020 ngày 21/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng ở các địa phương đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân biết để chủ động hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, tăng cường nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng trong thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở./.
Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch Lâm nghiệp tỉnh An Giang là 16.868 ha, gồm: Rừng đặc dụng là 1.577 ha (chiếm 9,35% diện tích đất Lâm nghiệp); Rừng phòng hộ là 11.550 ha (chiếm 68,47% diện tích đất Lâm nghiệp); Rừng sản xuất là 3.741 ha (chiếm 22,18% diện tích đất Lâm nghiệp).
Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2019 theo kết quả theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng đến cuối năm 2019 là 3,56%; Độ che phủ của cây trồng lâm nghiệp phân tán là 18,84%.