Rước dâu bằng 'xe hoa khác thường': Coi chừng vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, trên mạng xã hội ồn ào nhiều câu chuyện chú rể “chơi ngông” khi rước dâu bằng các “xe hoa khác thường”. Điều đáng nói, những loại xe rước dâu này có thể vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Cảnh sát giao thông kiểm tra đoàn xe đầu kéo rước dâu. (Ảnh: Hữu Anh)
Cảnh sát giao thông kiểm tra đoàn xe đầu kéo rước dâu. (Ảnh: Hữu Anh)

Bất đắc dĩ tránh đường cho xe rước dâu vi phạm

Mới đây, mạng xã hội xôn xao chia sẻ hình ảnh chú rể đem dàn máy xúc đi đón cô dâu. Theo đó, hình ảnh này được chụp lại trong đám cưới của chú rể ĐHS và cô dâu DTL cùng quê ở tỉnh Thái Nguyên. Trong hình ảnh, 7 chiếc máy xúc nối dài, được trang trí bóng bay, hộ tống chú rể rước vợ về dinh đi nghênh ngang khiến nhiều người chú ý.

Theo chú rể, vì muốn có một kỷ niệm đặc biệt với chiếc máy xúc đã gắn bó trong công việc trong ngày trọng đại, anh đã quyết định dùng 7 chiếc máy xúc xuất phát từ nhà trai ở xã An Khánh, huyện Đại Từ đến nhà gái ở xã Phúc Hà, TP Thái Nguyên.

Trước đó, sáng 22/11/2023, trên địa bàn huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, có một đám cưới tổ chức rước dâu bằng 50 xe đầu kéo. Trong quá trình di chuyển, đoàn xe đã bị lực lượng Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh và Đội CSGT huyện Hương Sơn yêu cầu dừng lại, nhắc nhở.

Nhiều đôi uyên ương muốn có một lễ rước dâu khác người bằng cách trang trí hoa cưới trên xe công nông, xe ô tô tải, xe máy xúc, xe container, xe máy kéo... Ngày 2/2/2023, tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An, chú rể HXT gây xôn xao khi rước dâu bằng máy xúc. Màn rước dâu này thu hút nhiều người đến xem. Họ dùng điện thoại quay lại cảnh rước dâu bằng máy xúc của anh Tình và đăng tải lên mạng xã hội với hàng nghìn lượt bình luận.

Ngày 25/4/2021, thay vì đi rước dâu bằng ô tô như nhiều đám cưới khác, anh ĐH ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã dùng hoa, bóng bay “biến” máy cày thành xe hoa để đón cô dâu về nhà. Cũng rước dâu bằng máy cày là đám cưới của chú rể NC và cô dâu NY ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Cô dâu, chú rể ngồi trên một chiếc máy cày màu đỏ, theo sau xe cô dâu, chú rể là 8 chiếc máy cày màu xanh đi giữa đường trước sự hiếu kỳ của người đi đường.

Không chỉ máy cày, có đám cưới “chơi lạ” bằng chiếc xe xúc lật cồng kềnh. Đám cưới ấy diễn ra vào ngày 1/1/2019 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Không chỉ một chiếc lẻ loi, gia chủ đã trang trí cả dàn xe xúc lật để buổi rước dâu thêm hoành tráng. Chỉ khổ cho người dân phải luồn lách, chật vật khi tránh đoàn xe cưới cồng kềnh, để tránh xảy ra tai nạn.

Vào tháng 10/2017, cặp đôi Hải Phòng còn rước dâu về nhà chồng bằng đoàn xe đầu kéo khổng lồ. Đoàn xe choán hết cả lòng đường khiến các chủ phương tiện trên đường ngao ngán, tránh đường cho đoàn xe...

Xử lý nghiêm, không coi đám cưới là “ngoại lệ”

Những đám cưới này đã thu hút sự hiếu kỳ của người dân và cộng đồng mạng. Ngay lập tức, cô dâu, chú “nổi như cồn”. Điều đáng nói, những bình luận hầu hết cổ vũ, tung hô, cổ súy, khen ngợi sự “sáng tạo” của đôi uyên ương. Mà không hề nhắc tới việc đôi uyên ương vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Các xe rước dâu “lạ đời” ấy đã gây cản trở, ùn tắc, ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông khác trên đường và có thể gây ra tai nạn giao thông.

7 chiếc máy xúc làm phương tiện đón dâu choáng hết lòng đường vào ngày 10/4/2024. (ảnh trên Sao Star)

7 chiếc máy xúc làm phương tiện đón dâu choáng hết lòng đường vào ngày 10/4/2024. (ảnh trên Sao Star)

Những loại xe đặc thù như xe công nông (là loại xe máy vừa phục vụ nông nghiệp, vừa là máy kéo nhỏ trọng tải đến 1.000kg); ô tô tải (là xe ô tô chuyên dùng để chở hàng hóa); xe máy xúc( là một loại máy móc cơ giới chủ yếu dùng trong xây dựng, khai khoáng); xe container (là xe được móc nối với các thùng hàng, rơ-moóc hoặc các loại sơ-mi rơ-moóc chuyên dùng để vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn).... Các loại xe này có chức năng riêng biệt, không phải dùng chuyên chở hành khách.

Pháp luật hiện đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “chở người trên thùng xe trái quy định”. Như vậy, việc dùng các loại phương tiện như xe máy cày, xe tải, công nông, container, máy xúc… rước dâu, chở người là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đoàn xe Jeep rước dâu nghênh ngang trên đường phố. (Ảnh: P.L.)

Đoàn xe Jeep rước dâu nghênh ngang trên đường phố. (Ảnh: P.L.)

Chia sẻ về những khó khăn khi xử lý các trường hợp vi phạm trên với truyền thông, một lãnh đạo Đội CSGT, Công an TP Vinh, Nghệ An cho biết, lễ cưới là ngày vui nên khi lực lượng ra quân thường gặp phải sự bất hợp tác từ phía người vi phạm. Sự phối hợp giữa chính quyền phường, xã với lực lượng CSGT trong việc xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của người dân khi đi đám cưới còn chưa thực sự quyết liệt, còn mang tính cả nể, hời hợt.

Để chấm dứt tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong đám cưới, cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành và lực lượng chức năng. Cấp ủy, chính quyền cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các gia đình khi tổ chức đám cưới thực hiện nghiêm các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tổ chức lễ cưới, chú trọng bảo đảm an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng cần kiên quyết hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, không coi đám cưới là “ngoại lệ vì đó là ngày vui”. Mỗi người cần thể hiện văn hóa, chấp hành pháp luật, cũng chính là bảo vệ hạnh phúc, an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Tại Điều 21 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chỉ được chở người trên ô tô chở hàng trong các trường hợp sau đây: Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; chở người bị nạn đi cấp cứu; chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người diễu hành theo đoàn; giải tỏa người ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, hành vi chở người trên thùng xe mà không nằm ở một trong các trường hợp kể trên là vi phạm quy định về vận tải đường bộ và sẽ bị xử lý theo Điểm c Khoản 2 Điều 24 Mục 5 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 ( sửa đổi một số điều ở Nghị định 123/2021/NĐ-CP và Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGTVT ngày 14/01/2022 hợp nhất hai Nghị định). Cụ thể, phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng nếu có hành vi “chở người trên thùng xe trái quy định; để người ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy”.

Ngoài ra, Khoản 5, Khoản 6 Điều 16 Mục 3 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền 4 - 6 triệu đồng với người điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng); điều khiển ô tô (kể cả xe rơ-moóc và sơmi rơ-moóc) có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện quá hạn dưới 1 tháng sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng; quá hạn trên 1 tháng bị phạt 4 - 6 triệu đồng. Hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.

Đọc thêm