Người nguy kịch, tiên lượng nặng – Người viêm gan nhiễm độc
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, đã tiếp nhận nhiều cấp cứu vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân thứ nhất là ông N.N.D, 64 tuổi ở Bắc Giang. Ông D. phát hiện viêm gan B cách đây 30 năm. 3 năm gần đây đã điều trị thuốc kháng virus. 5 tháng nay ông đã uống thuốc nam điều trị viêm gan B.
Tuy nhiên 1 tháng trở lại đây ông D. xuất hiện mệt mỏi, vàng da tăng dần. Ông D. đến cơ sở y tế điều trị, sau 1 tuần ông được xuất viện. Khi về nhà, ông D. thấy mệt mỏi hơn, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo. Gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện điều trị. Một ngày sau ông D. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ông D. nhập viện trong tình trạng da và mắt vàng đậm, được chẩn đoán, suy gan cấp - Xơ gan - Viêm gan B mạn. Các bác sĩ đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, tiên lượng rất nặng, nguy cơ hôn mê gan.
Bệnh nhân thứ 2, V.H.N 45 tuổi, cũng ở Bắc Giang, nhập viện trong tình trạng suy gan nặng. Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B được phát hiện cách đây 10 năm. Ngoài ra bệnh nhân bị U lympho tế bào nhỏ đã điều trị hóa chất 6 đợt. Một năm trước đây, bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng virus viêm gan B.
Ba tháng gần đây, bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc điều trị và chuyển sang uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Sau khi uống, bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, vàng da tăng dần kèm theo nôn, bệnh nhân đi khám được bác sĩ chỉ định nhập viện. Bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp và bán cấp; ung thư mô liên kết Kaposi của hạch lympho; viêm gan virus B mạn; hôn mê gan…
Sau khi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân rơi vào hôn mê, suy gan phải đặt ống thở máy, tình trạng bệnh nhân không cải thiện. Được bác sĩ giải thích tiên lượng nặng, gia đình bệnh nhân đã xin về chăm sóc tại nhà.
Bệnh nhân thứ 3 là ông T.N.T, 64 tuổi đến từ Hưng Yên. Bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính, không bị viêm gan B, C, không uống rượu bia. Khoảng 3 năm trở lại đây, ông T. có uống thuốc nam, bắc (uống từng đợt mỗi năm khoảng 2 đợt).
Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, ông T. có uống thuốc nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi ăn uống kém. Bệnh nhân đã nhập viện 2 tuần để điều trị nhưng sau khi ra viện, bệnh nhân lại xuất hiện mệt mỏi. Gia đình đã đưa bệnh nhân nhập Khoa Viêm Gan, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương để điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi viêm gan nhiễm độc, có viêm gan cấp.
|
Trường hợp bệnh nhân tiên lượng nặng, gia đình bệnh nhân đã xin về chăm sóc tại nhà. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc, ngừng điều trị
Theo Ths. BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng suy gan và hôn mê gan rất nặng do bệnh nhân tự ý bỏ thuốc kháng virus để dùng thuốc nam, thuốc bắc. Điều này thực sự nguy hiểm.
Còn theo bác sĩ CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích, suy gan có nghĩa là các chức năng của gan đã bị suy giảm, không đảm bảo được các chức năng bình thường. Khi các chức năng của gan bị suy thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như hội chứng não gan, bệnh nhân có thể hôn mê do gan, rồi bệnh nhân có thể bị hội chứng gan thận tức là suy thận do gan.
Nếu suy gan quá nặng, tiên lượng tử vong có thể lên đến từ 50 đến 70%. Còn viêm gan nhiễm độc là viêm gan do các chất độc gây ra, các chất độc này có thể là rượu, có thể là thuốc hoặc có thể là hóa chất... Khi những chất độc này vào cơ thể, chúng làm hủy hoại tế bào gan, dần dần làm suy giảm chức năng gan.
Khi gan không đảm bảo được các chức năng bình thường thì dẫn đến suy gan, suy đa tạng như hội chứng não gan, hội chứng gan thận. Khi đó bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê gan, tiên lượng tử vong cao.
“Đối với bệnh nhân viêm gan virus B đang điều trị phải tuyệt đối tuân thủ thuốc kháng virus, không được ngừng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Thứ hai là khi người dân uống bất kỳ một thứ thuốc gì đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, không được uống thuốc hoặc các chế phẩm không rõ nguồn gốc. Nếu chẳng may đã uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, tiểu vàng thì phải đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Huyền nhấn mạnh.