Các nhà khoa học cho biết họ có thể phát hiện ra những điều đi ngược hoàn toàn với quan niệm cho rằng rượu vang đỏ giúp con người tránh được các rủi ro đối với sức khỏe do chế độ ăn các thực phẩm có độ béo cao.
Từ năm 1998, các nhà khoa học đã tiến hành công trình nghiên cứu nồng độ resveratrol, một hợp chất chống oxy hóa polyphenol có nhiều trong rượu vang đỏ, trong mẫu nước tiểu của 800 người dân ở hai ngôi làng nhỏ vùng Tuscany (Italy) với các đối tượng từ 65 tuổi trở lên.
Trong suốt 9 năm sau đó, 34% số người tham gia công trình nghiêu cứu đã qua đời và các nhà khoa học không tìm thấy sự liên quan giữa những người mất sớm cũng như mối liên quan giữa các căn bệnh ung thư hoặc tim mạch với dư lượng resveratrol.
Theo các nhà khoa học, resveratrol không giúp kéo dài tuổi thọ, không giúp con người tránh được các bệnh ung thư, tim mạch và viêm nhiễm.
Phát hiện này đã lật ngược những quan niệm trước đó đánh giá resveratrol như một thần dược với hàng loạt tác động có lợi như làm giảm lượng tế bào chất béo trong cơ thể, ngăn chặn sự phát triển của các khối u, chống lại các yếu tố gây viêm nhiễm, làm giảm lượng cholesterol xấu - LDL - gây tắc nghẽn mạch máu và đột quỵ...
Trước đó, các công trình nghiên cứu đã chứng minh được tác động có lợi của resveratrol đối với động vật, song chưa chứng minh được điều này trên cơ thể con người. Thậm chí một số nghiên cứu cũng cho rằng resveratrol có thể không phải là thần dược chữa bách bệnh như một số người hy vọng, không có khả năng điều trị được bệnh liên quan đến huyết áp, trao đổi chất và béo phì.
Tuy nhiên, bất chấp những nghi ngờ trên, những công bố về tác dụng của resveratrol đã tạo ra một trào lưu uống rượu vang đỏ để cải thiện sức khỏe, phòng trừ bệnh tật trên thế giới. Điều này đã giúp cho các hoạt động kinh doanh thực phẩm bổ sung resveratrol có doanh thu 30 triệu USD/năm tại thị trường Mỹ.