Ủng hộ văn kiện trên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan khẳng định sắc lệnh đã thúc đẩy mục tiêu chung trong vấn đề bảo vệ nước Mỹ, đồng thời đánh giá cao công việc của các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhấn mạnh sắc lệnh cho nước Mỹ một quãng ngừng để cân nhắc các thỏa thuận với những người đến từ các quốc gia liên quan.
Chưa hết bất đồng
Ngược lại, người đứng đầu ngành Tư pháp bang Massachusetts Maura Healey tuyên bố đang xem xét tất cả các hành động pháp lý có thể thực hiện với sắc lệnh của Tổng thống Trump. Tương tự, Bộ trưởng Tư pháp bang Virginia, ông Mark Herring đã gọi sắc lệnh mới là “một thông điệp tồi tệ” đến với thế giới, mặc dù dường như đã được giảm quy mô đáng kể. Liên đoàn Tự do công dân Mỹ thậm chí khẳng định sẽ nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn sắc lệnh này có hiệu lực. Đêm 6/3, hàng chục người đã bắt đầu biểu tình bên ngoài Nhà Trắng để phản đối lệnh cấm.
Trong khi đó, hoan nghênh việc Mỹ đưa Iraq ra khỏi danh sách các quốc gia Hồi giáo có công dân bị cấm nhập cảnh, chính quyền Baghdad khẳng định động thái này đã gửi đi “một thông điệp tích cực” về tương lai quan hệ song phương, trong bối cảnh hai nước đang hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mỹ trong vấn đề tái định cư người tị nạn thế giới, người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi bày tỏ quan ngại sắc lệnh tạm thời này sẽ làm gia tăng sự khó khăn cho những đối tượng trong diện bị ảnh hưởng. Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Cứu trợ quốc tế David Miliband tuyên bố đây là cuộc tấn công lịch sử vào việc tái định cư người tị nạn đến Mỹ, đặc biệt vào thời điểm làn sóng di cư toàn cầu vẫn đang bất ổn và gia tăng mạnh mẽ.
Có sửa đổi
Sắc lệnh nhập cư tạm thời mới được Tổng thống Trump ký ban hành gần 1 tháng sau khi sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên của ông bị các tòa án nước này bác bỏ. Sắc lệnh mới tiếp tục cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm công dân từ 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen được phép vào Mỹ trong vòng 90 ngày.
Bộ trưởng Tư pháp bang Virginia Mark Herring vẫn gọi sắc lệnh mới là “một thông điệp tồi tệ” đến với thế giới |
Có hiệu lực từ ngày 16/3 tới, sắc lệnh mới không áp đặt những hạn chế nhập cư đối với Iraq, 1 trong 7 quốc gia nằm trong “danh sách đen” cấm nhập cảnh của sắc lệnh trước đây. Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên. Công dân 6 nước nêu trên nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) và những người hiện đang có thị thực hợp lệ không bị ảnh hưởng theo sắc lệnh mới này. Tổng thống Trump tuyên bố ông ký sắc lệnh nhập cư sửa đổi nhằm đảm bảo nước Mỹ và công dân Mỹ được an toàn hơn.
Sắc lệnh nhập cư ban đầu được ban hành từ cuối tháng 1 vừa qua, nhưng chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle, bang Washington ra phán quyết ngăn chặn với lý do trái với Hiến pháp Mỹ. Đầu tháng 2, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của Thẩm phán Robart. Đến ngày 27/2, Toà Phúc thẩm liên bang tại San Francisco đã bác bỏ đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ về tạm ngừng việc dừng thi hành sắc lệnh này.
Theo sắc lệnh nhập cư ban đầu, người tị nạn bị cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, người tị nạn từ Syria bị cấm vào Mỹ vô thời hạn, trong khi công dân từ 7 quốc gia Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày. Lệnh này cũng áp dụng với cả những người đã có thị thực hợp lệ và thậm chí những công dân có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ.
Mexico bảo vệ người nhập cư
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mexico đã mở cửa các trung tâm để triển khai chương trình pháp lý nhằm bảo vệ người nhập cư của nước này thông qua 50 lãnh sự quán và Đại sứ quán của nước này tại Mỹ.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Mexico cho biết các trung tâm nói trên được thiết kế một cách đặc biệt để cung cấp những trợ giúp về mặt lãnh sự như đại diện pháp lý cho tất cả người dân Mexico cần đến sự hỗ trợ trên đất Mỹ. Đây cũng là sự xúc tiến đặc biệt nằm trong khuôn khổ bảo vệ toàn diện công dân Mexico trên đất Mỹ theo chỉ thị của Tổng thống Enrique Pena Nieto.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mexico cũng cho biết thêm thông qua các trung tâm nói trên, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có thể nhận thông tin, hướng dẫn và sự cố vấn trực tiếp về mặt pháp luật từ lãnh sự. Bên cạnh đó, có sự ủng hộ chặt chẽ ở các địa phương bao gồm luật sư và các tổ chức đặc biệt nhằm bảo vệ quyền lợi của người nhập cư. Theo đó, đầu tuần vừa qua 54 triệu USD đã được phân bố cho các dịch vụ và 320 nhân viên làm các công việc tạm thời đã được thuê.
Việc khai trương các trung tâm hỗ trợ người di cư Mexico thông qua lãnh sự quán và đại sứ quán nhằm đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Nieto trước chính sách nhập cư mới của Mỹ. Trong một video được đăng tải trên trang mạng của Tổng thống, ông Nieto cho biết mỗi một quan chức Mexico tại Mỹ sẽ trở thành những người bảo vệ cho quyền lợi của công dân Mexico đang sinh sống tại nước này và phải đảm bảo rằng những công dân này đã được tiếp cận với các phương thức bảo vệ.
Lãnh sự quán Mexico và Đại sứ quán cũng sẽ khởi động chương trình làm thủ tục xác nhận chứng sinh cho người nhập cư Mexico với kỳ vọng giúp họ đảm bảo quyền lợi, xác định quốc tịch bất chấp họ đang ở đâu, và đảm bảo lợi ích quan trọng, đặc biệt là đối với những người trong hoàn cảnh dễ tổn thương.