Sách giáo dục công dân xa thực tế hàng chục năm

(PLO) - Hàng chục chi tiết tại sách giáo khoa Giáo dục công dân (GDCD) các lớp 6, 7, 8, 9 thiếu tính cập nhật, có cỗ sai kiến thức, có chỗ còn có nội dung phản giáo dục... thế nhưng hàng năm vẫn được tái bản mà không chỉnh sửa...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin lạc hậu hàng chục năm  

Ông Lê Đức Thôn – một giáo viên nghỉ hưu tại TP Vinh, Nghệ An – chỉ ra rằng, nhiều thông tin, sự kiện trong sách giáo khoa GDCD lớp 6, 7, 8, 9 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) được chỉ ra đã cập nhật cách đây cả mười mấy năm, thậm chí trên 20 năm, xa vời so với thực tế đời sống hiện nay nhưng vẫn không được thay đổi hoặc bổ sung mới. Nhiều kiến thức thậm chí đã trở nên lạc hậu.

Sách GDCD dẫn thông tin của tác giả Phương Thúy từ “Tạp chí Vì trẻ thơ” – 2001 về “Tết ở Làng trẻ SOS Hà Nội” từ thời “Làng” mới có 16 bà mẹ, “với 171 trẻ mồ côi từ 1 đến 17 tuổi”. Đến nay, sau 15 năm thông tin đã quá lạc hậu.

Sách GDCD lớp 6 đưa ra “Thông tin, sự kiện” để minh họa cho “Bài 14. Thực hiện trật tự, an toàn giao thông” bằng 2 vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã xảy ra từ năm 1999 tức là cách đây 17 năm.

Sách GDCD lớp 7 dẫn gương “Một gia đình văn hóa” từ “Bản tin số 4/2001” của Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, Bộ Văn hóa – Thông tin. 15 năm qua, cái tên Bộ Văn hóa – Thông tin cũng đã không còn hàng chục năm nay.

Hoặc dẫn thông tin về “Những diện tích rừng rộng lớn ở nước ta dã bị tàn phá...”; “Khai thác rừng bừa bãi...”; “...nạn lâm tặc hoành hành...”; “Du canh, du cư, phá rừng...” cũng chỉ là những thông tin “từ năm 1991 đến năm 2000”. Suốt 16 năm trở lại đây, những thông tin về rừng Việt Nam ra sao, sách giáo khoa GDCD không hề nói đến.

Hoặc một thông tin rất đáng quan tâm được đề cập đến tại sách GDCD lớp 9: “Tính đến tháng 10/2002, Việt Nam có 47 tổ chức hữu nghị song phương và đa phương với các nước khác. Tính đến tháng 3/2003, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 quốc gia, đã trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao với 61 quốc gia trên thế giới”. Mốc thời gian và sự kiện ấy cách đây 14 năm và 13 năm, không lẽ đến nay không có gì thay đổi? Số liệu về các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng đưa ra số liệu từ năm 1999.

Chỉnh sửa quá chậm

Trong những lần tái bản, NXB GDVN có chỉnh lý sách GDCD ở một số chỗ sai, song việc chỉnh sửa quá chậm trễ. Người góp ý cho hay: “Sau khi tôi góp ý, trong lần tái bản thứ 13 năm 2016, sách GDCD lớp 7 mới cắt bỏ và sửa 8 chỗ do sai kiến thức, do diễn đạt lặp thừa trong truyện đọc “Bốn mươi năm vẫn nghĩa nặng tình sâu” (GDCD lớp 7).

Sách GDCD lớp 7 vẫn viện dẫn hướng dẫn về việc xin cấp lại giấy khai sinh đã mất từ năm 1999, trong khi từ đó đến giờ quy định về vấn đề này đã được sửa đổi tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP và gần đây là Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Nếu giáo viên cứ theo sách mà giảng thì bao lớp học sinh đã tiếp thu kiến thức sai, cũ?

Tương tự, từ năm 2008, sau khi chuyển đổi thì Bộ Văn hóa – Thông tin đã đổi tên thành Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Tương tự, các Sở Văn hóa – Thông tin đã đổi tên thành Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ sách GDCD lớp 8 vẫn cứ chủ dẫn cho học sinh đem nộp cổ vật cho Sở Văn hóa – Thông tin, khiến cho kiến thức sách vở trở nên rất ngớ ngẩn so với thực tế.

Bằng tâm huyết của mình, sau khi “nhặt sạn” sách giáo khoa, thầy giáo già Lê Đức Thôn đã trình bày những vấn đề này lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Tuy nhiên, tôi rất buồn rằng đến nay, hầu hết những lỗi đó vẫn tồn tại sau nhiều lần tái bản, và các lớp học trò vẫn đang phải học những kiến thức sai, xa rời thực tế”, ông Thôn chia sẻ với Báo PLVN. 

Đọc thêm