Đây là hoạt động quan trọng và ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 75 Ngày truyền thống Nhà xuất bản (5/12/1945 – 5/12/2020) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi các ý kiến, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đổi mới công tác xuất bản sách lý luận, chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sát hợp với thực tiễn mới của đất nước; phát huy hơn nữa vai trò to lớn của các nhà xuất bản lý luận chính trị trong bối cảnh mới.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Bên cạnh nhiều kết quả rất quan trọng đã đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn những hạn chế. Nội dung nhiều cuốn sách lý luận, chính trị còn thiếu sức thuyết phục, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Công tác thẩm định, rà soát, biên tập còn để sai sót.
Công tác phát hành sách lý luận, chính trị vẫn còn bất cập, mạng lưới phát hành phát triển chậm. Sách lý luận, chính trị phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và người Việt Nam ở nước ngoài còn ít, chưa phù hợp với các đối tượng người đọc. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của sách chính trị, lý luận, pháp luật chưa đầy đủ. Ý thức, văn hoá đọc sách lý luận, chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có chiều hướng giảm sút. ..
Trước tình hình trên, đòi hỏi sách lý luận, chính trị phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung, thuyết phục về lập luận, tiếp tục là vũ khí sắc bén, tiên phong trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị.
Công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị phải được đổi mới toàn diện, đồng bộ để thật sự nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Các nhà xuất bản lý luận chính trị nói chung và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nói riêng phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, đã nỗ lực phải nỗ lực hơn nữa vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư về việc xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của các tổ chức cơ sở đảng; phát triển phong trào đọc sách lý luận, chính trị sâu rộng nhằm giáo dục nhận thức, nâng cao trình độ lý luận, củng cố lập trường, rèn luyện bản lĩnh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.