Sai lầm từ quan điểm về bữa ăn khiến người Việt ngày càng thừa mỡ máu

(PLVN) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước tình trạng bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, để giảm dần trong chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm thì “đánh đuổi” cholesterol vô cùng quan trọng. 

Báo động thừa cholesterol

Theo PGS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ thừa cholesterol ở người Việt Nam đang ở mức cao.

Theo ghi nhận gần đây nhất, trong kết quả điều tra Quốc gia, yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015, tỷ lệ người Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cholesterol ở mức đáng báo động và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người thừa cholesterol trong cơ thể. Hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi 50-65 đang trong tình trạng thừa cholesterol.

Đây là thực trạng đáng báo động vì thừa cholesterol trong cơ thể chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp… trong thời gian gần đây.

Cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong máu vượt quá ngưỡng cần thiết sẽ làm lắng đọng các mảng lipid, tích tụ lâu ngày sẽ hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở thành mạch máu dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong như các bệnh nói trên.

Đáng nói, trong hai nguồn sản sinh cholesterol cho cơ thể là nội sinh (do gan tự tổng hợp) và ngoại sinh (đến từ các thực phẩm), thì nguồn ngoại sinh hầu như là nơi khởi phát chính của tình trạng thừa cholesterol.

Coi bữa ăn là ăn cơm: Người Việt ngày càng thừa mỡ máu
Coi bữa ăn là ăn cơm: Người Việt ngày càng thừa mỡ máu

Những nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể: Có 5 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ lối sống và chế độ ăn uống.

Ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol: Thực phẩm chứa nhiều cholesterol được tìm thấy nhiều nhất ở những thức ăn có nguồn gốc từ động vật và mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn, mỡ lợn, thịt cừu, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp) và nội tạng động vật.

Uống nhiều rượu, bia và các thức uống có gas: Rượu, bia và các loại thức uống có gas nếu sử dụng nhiều sẽ làm tăng cholesterol xấu và triglyceride.

Lối sống không khoa học, bao gồm: Lười tập thể dục và ít tham gia các hoạt động thể chất, không kiểm soát cân nặng (béo phì), hút thuốc: Một số hóa chất có hại trong thuốc lá làm tăng lượng cholesterol xấu gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Những người bị huyết áp cao (tăng huyết áp) và bệnh tiểu đường thường có mức cholesterol cao hơn bình thường.

Yếu tố tiền sử gia đình: Có một số các yếu tố cố định gây ra mức cholesterol cao không thể thay đổi được như tiền sử gia đình bị bệnh tim, có tình trạng cholesterol cao. Càng lớn tuổi thì khả năng bị hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) càng cao.

Đừng bỏ hoàn toàn chất béo

PGS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, các giải pháp về giảm cholesterol đó là thay đổi thói quen dinh dưỡng. Điều đáng lo ngại hiện nay tỷ lệ người dân ăn rau xanh trái cây còn quá ít. Theo nghiên cứu điều tra năm 2015 tỷ lệ sử dụng rau xanh chỉ chiếm 200 gram trong đó khuyến nghị mỗi người cần 400 gram rau xanh, trái cây mỗi ngày. Vì vậy, rau xanh chính là cách để làm giảm cholesterol xấu trong máu.

Ngoài ra, PGS Mai cũng cho biết người Việt còn coi bữa ăn hàng ngày là “ăn cơm”. Bữa ăn họ ăn nhiều cơm dẫn đến hàm lượng tinh bột đưa vào cơ thể quá nhiều. Ăn nhiều tinh bột cũng làm tăng cholesterol máu. Bà Mai cho rằng có nhiều người bệnh sau khi xét nghiệm hàm lượng cholesterol toàn phần, cholesterol xấu tăng cao nhưng bệnh nhân cho biết chỉ ăn đồ luộc, kiêng chất béo nhưng vẫn bị mỡ máu. Khi hỏi ra, bệnh nhân chia sẻ mỗi bữa ăn tới 2 – 3 bát cơm.

Vì vậy, giảm tiêu thụ đường tinh chế được xem là một giải pháp giảm cholesterol.

Sợ mỡ máu, nhiều người kỳ thị với các loại dầu, đây là quan niệm không đúng, PGS Mai cho biết kiểm soát cholesterol tốt cũng cần tăng cường các chất béo như là chất béo không bão hóa một nối đôi hoặc đa nối đôi như các loại omega 3, omega 6, dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu oliu. Nếu sử dụng dầu thực vật dưới dạng trộn salat hay xào thức ăn rất tốt không sợ thừa mỡ máu như nhiều người vẫn nghĩ.

Nên ăn 1 tuần 2 – 3 bữa cá để ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.

Các thực phẩm từ thịt trứng, thủy sản không làm tăng cholesterol mà ngược lại nó còn giúp kiểm soát tốt cholesterol xấu.

Ngoài ra, nên uống đủ nước mỗi ngày. Người trưởng thành uống nước 40 ml/kg trọng lượng cơ thể. Nếu người 50 kg cần uống 2 lít nước mỗi ngày.

Đọc thêm