Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra (KLTT) chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án buýt nhanh BRT Hà Nội, điển hình là Hợp phần 1 của dự án, gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Xe buýt BRT đang phải đi chung đường cùng các phương tiện khác...(Ảnh Vietnamnet). |
Hơn 42 tỷ đồng tiền "chênh lệch" nhưng không chứng minh được khối lượng công việc
Theo Kết luận từ Thanh tra Chính phủ, việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu Hợp phần BRT từ năm 2008 đến năm 2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt, vi phạm Khoản 2 và Khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005.
Cụ thể, Đoàn xe BRT (35 xe) do nhà thầu liên danh Công ty CP Thiên Thành An (Công ty Thiên Thành An) và một công ty ô tô khác thực hiện, Chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu này với tổng giá trị 17,68 tỷ đồng mà không tổ chức đấu thầu, chỉ ký phụ lục hợp đồng bổ sung với nhà thầu, vi phạm Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, Điều 101 Luật Xây dựng 2014 về điều kiện được chỉ định thầu.
Ngày 5/11/2015, Sở GTVT Hà Nội đã có Quyết định số 2257/QĐ-SGTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 04/BRT-TB (BRTCP08): Đoàn xe BRT - giai đoạn 1 thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Thiên Thành An và một công ty ôtô thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước với giá trúng thầu là 176,29 tỷ đồng (giá gói thầu gần 12,35 triệu USD), thời gian thực hiện hợp đồng là 175 ngày. Gói thầu này sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Trong Liên danh nhà thầu trúng thầu, Công ty đối tác của Thiên Thành An) thực hiện 75% (cung cấp 35 xe BRT) với số tiền hơn 171 tỷ đồng; Công ty CP Thiên Thành An thực hiện 25% công việc (cung cấp, lắp đặt thiết bị, kiểm tra xe, vận hành đào tạo và chuyển giao công nghệ) với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.Thanh tra Chính phủ khẳng định, Chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của WB như: không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu). Vì vậy, không có cơ sở quản lý giá và căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, ngoài số tiền theo hợp đồng, Thiên Thành An còn được hưởng hơn 42 tỷ đồng số tiền chênh lệch giữa giá xuất bán xe của đối tác cho Thiên Thành An để Thiên Thành An xuất bán cho Chủ đầu tư theo hợp đồng.
Đây là số tiền nằm trong 75% công việc của đối tác được phân chia theo hợp đồng. Thiên Thành An cũng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện đối với số tiền chênh lệch hơn 42 tỷ đồng này.
Số tiền chênh lệch 42 tỷ đồng tương đương 1,2 tỷ/xe giữa hóa đơn công ty đối tác xuất Thiên Thành An và Thiên Thành An xuất lại cho chủ đầu tư theo giải thích từ phía doanh nghiệp, chính là chi phí bảo hành 3 năm và đảm bảo dự trữ và cung cấp dịch vụ phụ tùng, bảo trì 10 năm cho 35 xe BRT (theo điều kiện hợp đồng sản xuất theo đơn đặt hàng riêng không phải xe sản xuất hàng loạt nên không có phỵ tùng trên thị trường). Các công việc này do liên danh Thiên Thành An chịu trách nhiệm.
Đi về không có báo cáo
Theo đó, tuyến buýt nhanh BRT có chiều dài 14,7km (từ Bến xe Yên Nghĩa tới Kim Mã), với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Thời gian thực hiện từ quý IV/2007 đến năm 2010 nhưng thực tế phải đến năm 2013 hợp phần BRT mới khởi công, chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và sau 9 năm đưa vào hoạt động.
Đáng chú ý, qua quá trình thanh tra, để thực hiện hệ thống xe buýt nhanh BRT, UBND TP Hà Nội tổ chức ba đoàn đi nghiên cứu, khảo sát mô hình này tại Brazil, Colombia, Ecuado, Indonesia (năm 2004; 2009; 2014). Tuy nhiên, một đoàn không có báo cáo kết quả, 2 đoàn có báo cáo nhưng lại không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát.
Bên cạnh đó, các tổ được cử đi không có tài liệu để tham gia, đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe BRT. Do đó không đạt mục tiêu của việc khảo sát.
Câu hỏi đặt ra là đoàn công tác nào đi nghiên cứu lại không có kết quả báo cáo? Ai là trưởng đoàn, thành viên gồm những ai, chi phí phải trả cho những ngày đi công tác là bao nhiêu? Vậy sau khi kết quả thanh tra được ban hành, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những "kết quả" báo cáo "trắng" kia? Hiện những thành viên trong đoàn công tác này đang công tác ở đâu?
Pháp luật VN sẽ tiếp tục thông tin.